Home Tiêu điểm 10 sự kiện nổi bật năm 2022

10 sự kiện nổi bật năm 2022

0

Giữa bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế có nhiều biến động, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế qua đó thực hiện thắng lợi, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Tiêu biểu cho những thành công đó là 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2022.

1. Tổ chức thành công Sea Games 31

Việt Nam được giao nhiệm vụ tổ chức SEA Games 31 trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới khiến cho nhiều sự kiện thể thao lớn như: Olympic Tokyo 2020 (được tổ chức năm 2021) diễn ra không khán giả, ASIAD 2022 tại Trung Quốc bị hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên với sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn do dịch bệnh và tổ chức một kỳ SEA Game 31 đầy ấn tượng để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ nước nhà và bạn bè quốc tế.

Không chỉ thiết lập cột mốc lịch sử mới (Nhất toàn đoàn với 205 Huy chương Vàng), tại kỳ đại hội này, thể thao Việt Nam cũng mang về chiến tích đáng tự hào khi 2 nhà đương kim vô địch – Đội tuyển U23 quốc gia và Đội tuyển nữ quốc gia đã bảo vệ thành công tấm Huy chương Vàng bóng đá SEA Games.

Đại hội lần này ngoài khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam tại đấu trường khu vực mà còn có nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với Nhân dân, bạn bè các nước Đông Nam Á.

2. Ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng

Nhằm phát huy những lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng miền trên tổ quốc, năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị Quyết về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Điểm chung của 6 Nghị quyết về phát triển các vùng đã nêu yêu cầu phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu…

3. Việt Nam là nước đầu tiên nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi (xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra trên lợn. Bệnh có đặc điểm lây lan tất nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn (bao gồm lợn nuôi và lợn rừng) với tỉ lệ chết cao lên đến 100%. Dịch được phát hiện chính thức tại Việt Nam vào tháng 2/2019 sau đó nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Dịch tả lợn Châu phi xuất hiện đã gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi trên cả nước.

Hơn 2 năm nghiên cứu, sản xuất, trong 3 doanh nghiệp Việt tiên phong, vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco là vaccine đầu tiên được phép lưu hành thương mại của Việt Nam và cả trên thế giới; đây là sự kiện lịch sử, ghi nhận nỗ lực của ngành thú y. Các doanh nghiệp và các nhà khoa học Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các nhà khoa học thế giới sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Thành công của việc nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi góp phần quan trọng trong phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi nuôi nói chung và ngành chăn nuôi heo nói riêng phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và khả năng xuất khẩu thực phẩm, vaccine dịch tả lợn châu Phi.

4. Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế số

Năm 2022, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế số cao nhất khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa ước đạt 23 tỷ USD, tăng khoảng 28% so với kết quả của năm 2021 (18 tỷ USD). Trong đó thương mại điện tử đã có đóng góp lớn với tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực (tăng 26%) so với cùng kỳ năm ngoái…

Sau đại dịch, một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành và thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển. Thương mại điện tử trở thành “đầu tàu” khi có đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam với giá trị ước đạt 14 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2021.

5. Tăng trưởng GDP vượt kế hoạch trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm

Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp. Đồng thời triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tính tăng 8,02 so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại; chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá năm 2022 tăng 7,09% so với năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 8,56%; tỉ giá thương mại hàng hóa giảm 1,36%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm động lực tăng trưởng, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao.

6. Mạnh tay dọn rác trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều đối tượng liên quan đến việc tung thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Nhằm ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các thông tin xấu, độc, thông tin thất thiệt trên mạng xã hội liên quan đến doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, sở, ban, ngành đã tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền, thực hiện nghiêm quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Luật An ninh mạng; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện…

Trong năm qua, các cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý nhiều trường hợp vi phạm trên mạng xã hội trong đó có nhiều người nổi tiếng đã bị xử phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự vì có bình luận, phát ngôn không chuẩn mực, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của tổ chức cá nhân trên mạng xã hội.

7. Du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách năm 2022

Sau khi dịch bệnh Covid – 19 đã được khống chế, Việt Nam đã gỡ bỏ mọi hạn chế đi lại và công bố chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới vào tháng 3. Năm 2022, Việt Nam đã đón và phục vụ ước khoảng 104,8 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế; 101,3 triệu lượt khách nội địa, tăng trên 19% so với năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 500.000 tỷ đồng. Kết thúc năm 2022, Việt Nam đã đón và phục vụ ước khoảng 104,8 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. 

Sự tăng trưởng thần kỳ của thị trường du lịch nội địa sau đại dịch Covid – 19 là một điểm sáng của toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn trên toàn cầu. Với việc mở cửa này, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là 1 trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới.

8. Triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế quốc gia.

2022 là năm nhộn nhịp của đối ngoại Việt Nam sau hai năm bị gián đoạn hoặc phải chuyển sang hình thức trực tuyến vì dịch bệnh. Chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 10, khi Trung Quốc vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng XX có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần củng cố, phát triển quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Không chỉ vậy, các chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore, Hàn Quốc, Indonesia, dự cấp cao APEC; chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ, Campuchia, châu Âu, dự Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan; chuyến thăm Hungary, Anh, Australia, New Zealand, Philippines của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ … đã tiếp tục củng cố vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia.

Điểm nhấn hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2022 là tập trung tranh thủ nguồn lực cho phục hồi và phát triển, trong đó có việc kết nối lại giao thương và các chuỗi cung ứng; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước, thực hiện những nhiệm vụ đối ngoại đề ra tại Đại hội Đảng XIII.

9. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, đi vào chiều sâu

Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao qua đó đạt được nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt trong toàn xã hội. Hàng ngàn quan chức cấp cao, cùng đại gia liên quan đến các đại án về kinh tế, tham nhũng đã bị khởi tố và đưa ra xét xử:

– Đại án Việt Á:  102 người bị khởi tố trong đó khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế); ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương); ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về các tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

– Vụ án “Chuyến bay giải cứu”- 37 người của 8 bộ, ngành bị bắt, trong đó, ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ bị khởi tố, tạm giam về tội “Nhận hối lộ”.

– Vụ thao túng giá chứng khoán: trong đó khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC với tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

– Mới gần đầy, thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). Hàng loạt quan chức tỉnh Đồng Nai và AIC đã phải hầu tòa.

Từ những hành động trên đã cho thấy được sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc chống “giặc nội xâm” qua đó tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

10. Triển khai gói hỗ trợ thuế, phí lớn nhất từ trước tới nay

Năm 2022, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai. Ước tính, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong năm 2022 có quy mô lên đến khoảng 233 nghìn tỷ đồng – con số cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, số tiền gia hạn thuế và tiền thuê đất khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, thuế, phí, lệ phí là 98 nghìn tỷ đồng.

Các chính sách miễn giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng được nguồn lực tài chính xoay vòng vốn, thúc đẩy và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung. Qua đó, tạo đà tăng trưởng cao góp phần phát triển kinh tế – xã hội; nhiều lĩnh vực, nhóm ngành phục hồi và phát triển tốt so với giai đoạn trước khi có chính sách hỗ trợ và trước khi bị dịch Covid-19 như: khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 10,6%, cao hơn 2,7% cùng kỳ năm 2021; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng 7,7%, cao hơn 3,9% cùng kỳ năm 2021..

Bách Hợp

Link nguồn