Nhà chức trách thành phố Osaka đã yêu cầu thu hồi 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chin-su có nguồn gốc từ Việt Nam do vi phạm tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá. Công ty sản xuất của Masan đưa nhận định số hàng bị thu hồi là “dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc hàng không rõ xuất xứ”.
Hình ảnh mẫu tương ớt vi phạm được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Thành phố Osaka
Tương ớt Chin-su chứa axit benzoic
Thông tin thu hồi hơn 18.168 chai tương ớt Chin-su đến từ nhà sản xuất của Việt Nam vừa được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Thành phố Osaka (Nhật Bản) – www.city.osaka.lg.jp ngày 2/4/2019. Nguyên nhân là do hàng hoá đã vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm của Nhật Bản.
Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka cho biết, 3 lô hàng tương ớt Chinsu gồm 757 thùng, được công ty Javis Co., Ltd (Osaka) nhập từ Việt Nam vào ngày 7/12/2018, sau đó bán lại cho công ty ISC Industrial Co., Ltd (Kobe).
Lô hàng này có hạn sử dụng đến ngày 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019. Trên nhãn chai cho biết, quy cách đóng gói chai là loại 250ml , cũng là loại tương ớt Chin- su được bán phổ biến tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nhà nhập khẩu đã không ghi rõ trên nhãn phụ rằng số tương ớt này có chứa axit benzoic, vốn không được phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.
Trước đó, cơ quan chức năng Nhật Bản đã nghi ngờ số tương ớt được phân phối bởi ISC Industrial vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Nhãn thực phẩm. Qua kiểm nghiệm lô hàng, Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo (Viện Nghiên cứu công nghệ thực phẩm Tokyo) kết luận, hàm lượng axit benzoic trong lô tương ớt Chin-su bị thu hồi lần lượt là 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10/6/2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17/6/2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6/7/2019.
Trong khi đó, điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật Bản cấm sử dụng axit benzoic trong sản phẩm tương ớt.
Các sản phẩm của Masan cũng không được dán nhãn đầy đủ để khuyến cáo người dùng nắm rõ thông tin về chất phụ gia trong tương ớt.
Lô hàng tương ớt Chin-su bị thu hồi do chứa chất cấm axit benzoic
Thông báo trên Cổng thông tin điện tử Thành phố Osaka cũng dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, nếu một người tiêu thụ liên tục mỗi ngày 5mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể thì không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, với hàm lượng trong tương ớt Chin-su này nếu dùng liên tục thì không ảnh hưởng đến sức khỏe ngay lập tức.
Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản vốn rất khắt khe trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng. Do đó, axit benzoic là chất phụ gia bị cấm trong các mặt hàng như tương ớt…
Còn tại thị trường Việt Nam, axit benzoic hiện vẫn được phép sử dụng trong nhiều loại thực phẩm. Theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt. Có nghĩa, hàm lượng axit benzoics có trong tương ớt của Việt Nam thậm chí còn cao gấp 2 lần hàm lượng được kiểm nghiệm có trong lô tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản.
Chiều 6/4, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan – thuộc Tập đoàn Masan (mã: MSN) cho biết chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd. Hiện, Masan chỉ xuất khẩu tương ớt Chin-su sang Mỹ, Canada, Australia, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan.
Với lý do Masan chưa có mẫu sản phẩm bị phía Osaka thu hồi nêu trên nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng. Dù vậy, Masan cho rằng lô tương ớt Chin-su này có thể là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc hàng hoá không rõ xuất xứ và do lỗi không ghi nhãn phụ đầy đủ”, thông cáo của Masan nêu.
Hiện, chưa rõ hai công ty Javis Co., Ltd (Osaka) và công ty ISC Industrial Co., Ltd (Kobe) đã nhập khẩu hơn 18.000 chai tương ớt nhãn hiệu Chin-su từ đâu, có phải từ nhà sản xuất Việt Nam hay không? Và bằng cách nào những lô hàng thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng lại có thể lọt vào thị trường này để tiêu thụ?
Đáng chú ý, vấn đề chất lượng thực phẩm của Masan thời gian qua luôn được dư luận quan tâm, nhất là gần đây lại “dậy sóng” cuộc chiến giữa các nhà sản xuất nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp mà Masan đang chiếm thị phần sản xuất nội địa lớn.
Theo Hải Nam/Kinh tế môi trường