Phân khúc thị trường căn hộ có mức tăng không đột biến như đất nền, nhà phố song hầu hết các dự án có tiến độ xây dựng tốt cùng mức tăng giá từ 15 – 30%. Riêng phân khúc căn hộ hạng sang ở các quận trung tâm, các dự án mới công bố gần đây có mức giá đạt kỷ lục.
“Thách” nhau ra tòa vụ đòi gần 1.000m2 đất vàng công sản
Trong diễn biến “căng thẳng” của vụ Học viện hành chính quốc gia và Bộ Nội vụ đòi 950m2 đất “vàng” công sản ở quận 10 (TP. HCM), mới đây CTCP Duy Tân (Công ty Duy Tân), bên được cho là “chiếm giữ” đã gửi văn bản tới Học viện nói “cần thiết thì đưa ra tòa”.
Theo đó, Công ty Duy Tân vẫn khẳng định hợp đồng 04 thời hạn tới năm 2022 là có thật. “Nếu Học viện thấy cần thiết thì đưa ra Tòa án kinh tế là cơ quan giải quyết theo quy định của pháp luật”, văn bản Công ty Duy Tân nêu.
Điểm nóng bất động sản: “Thách” nhau ra tòa vụ đòi gần 1.000m2 đất vàng công sản |
Công ty này còn đề nghị Học viện chỉ đạo phân viện tại TP. HCM hủy bỏ văn bản có nội dung quy kết công ty này “chiếm giữ trái pháp luật”.
Không chỉ văn bản trên, mới đây Công ty Duy Tân gửi tiếp văn bản tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ (cơ quan chủ quản Học viện) cho rằng, Học viện đã không thực hiện chỉ đạo của cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại công văn số 4293 ngày 14/06/2012 và ý kiến Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp ngày 24/07/2012 với nội dung: “Có ý kiến chính thức bằng văn bản về tính pháp lý của hợp đồng BOT đến năm 2022 và nhu cầu sử dụng khi chấm dứt hợp đồng…”.
Liên quan vụ việc, đại diện Học viện tại TP. HCM cho rằng, Công ty Duy Tân báo cáo như vậy là sai và lại đổ lỗi hết cho Học viện bởi từ năm 2002, thanh tra đã phát hiện khẳng định việc Học viện cho thuê mặt bằng để xây dựng công trình nhằm mục đích kinh doanh là chưa đúng với quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính. Cán bộ sai phạm đã bị kiến nghị xử lý và bị yêu cầu thu hồi.
Từ đó nhiều năm Học viện và cả Bộ Nội vụ đã nhiều lần gửi văn bản khẳng định điều này và yêu cầu Công ty Duy Tân bàn giao đất nhưng công ty không tuân thủ.
Hàng nghìn nhà xây trái phép, Chủ tịch Khánh Hòa thừa nhận thiếu sót
Tại phiên họp bất thường của HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, nhiều đại biểu chất vấn người đứng đầu UBND tỉnh về tình trạng xây nhà không phép diễn ra tại các xã Phước Đồng, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương (Nha Trang).
“Người dân làm nhà ồ ạt nhưng không thấy chính quyền ghi nhận, hay xử lý. Trách nhiệm của người đứng đầu các xã ở đâu? Hay đang có dấu hiệu buông lỏng quản lý để việc xây không phép diễn ra”, đại biểu Đoàn Minh Long chất vấn.
Điểm nóng bất động sản: Nạn xây nhà trái phép tại Khánh Hòa gây nhiều hệ lụy khó lường |
Phó chủ tịch HĐND Lê Xuân Thân cho biết, tháng 11/2018 liên tiếp xảy ra sạt lở khiến 22 người thiệt mạng và hàng chục căn nhà đổ sập, chủ yếu đều xây trái phép. “Các dự án xây dựng trái phép, người dân cư trú tự phát và thậm chí xây nhà ngay trên khu vực sạt lở là điều đáng lo ngại. Mùa mưa lũ sắp đến, tình trạng này phải sớm có giải pháp xử lý”, ông Thân nói.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Đức Vinh (Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) thừa nhận thiếu sót, buông lỏng quản lý từ cấp xã đến huyện, thành phố lẫn các sở ngành khiến vấn nạn xây dựng trái phép diễn ra trong nhiều năm tại Nha Trang.
Theo đó, ông Vinh yêu cầu lãnh đạo thành phố khẩn trương rà soát, phân loại các hộ dân đang sống ở những khu vực tự phát để có chính sách hỗ trợ kịp thời. Đối với những nhà xây không phép tại khu vực đồi núi phải cưỡng chế trong tháng 4 và 5.
Theo báo cáo của UBND TP Nha Trang, từ năm 2017 đến nay trên địa bàn có hơn 1.700 căn nhà xây không phép; nhiều khu dân cư hình thành tự phát, nhất là ở Phước Đồng, Vĩnh Thái… Ngoài ra, số liệu thống kê năm 2018 có gần 600 hộ dân (hơn 2.700 nhân khẩu) cư trú tự phát không đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú. Điều này khiến việc quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai và khu dân cư gặp khó khăn.
Trong giai đoạn từ 2016 đến 2018, Nha Trang đã ban hành gần 110 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Người giàu bật khóc với giá đất tại TP. HCM
Tại quận 12, khu vực lâu nay được xem là quận vùng ven của thành phố thời gian qua bắt đầu dậy sóng khi giá tăng đột biến. Cụ thể, Dự án An Sương Recidence (Quốc lộ 1A, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Mỹ Vân làm chủ đầu tư vừa công bố bán với giá từ 85 – 102 triệu đồng/m2. Tính ra, mỗi lô đất có giá từ hơn 7,6 tỷ đồng đến hơn 14,3 tỷ đồng.
Cách đây 6 tháng, đất nền dự án này được một đơn vị môi giới khác chào bán có giá trung bình chỉ từ 40 – 50 triệu đồng/m2 nhưng giờ Công ty Mỹ Vân công bố giá bán mới khiến giá khu vực này rục rịch tăng theo.
Điểm nóng bất động sản: Nhiều quận, huyện khác tại TP. HCM, giá đất cũng tăng chóng mặt |
Theo ghi nhận, giá đất của hầu hết các dự án tại quận 2, quận 9 và Thủ Đức có mức tăng từ 70 – 100% trong khoảng thời gian 3 năm qua.
Đơn cử, tại Dự án Gia Hòa (quận 9), nếu như năm 2015 giá giao dịch chỉ quanh mức 20 – 22 triệu đồng/m2, thì hiện nay đã tăng lên mức 40 – 50 triệu đồng/m2. Ngay kế bên, một dự án đất nền đường Tăng Nhơn Phú do Thủ Đức House làm chủ đầu tư bán cách đây 3 năm có giá trung bình từ 30 – 35 triệu đồng/m2, nay được giao dịch trên thị trường thứ cấp có mức giá tăng gấp đôi.
Còn tại quận Thủ Đức, các dự án như Moonlight do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư có giá bán ban đầu từ 55 – 70 triệu đồng/m2, hiện được giao dịch trên thị trường thứ cấp quanh mức 100 – 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Không chỉ với đất dự án, mà ngay cả thị trường nhà phố trong các khu dân cư cũng có mức giá tăng phi mã trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2018 đến nay.
Ở phân khúc thị trường căn hộ có mức giá tăng không đột biến như đất nền, nhà phố, song khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các dự án có tiến độ xây dựng tốt, pháp lý đầy đủ đều có mức tăng giá từ 15 – 30%. Riêng với phân khúc căn hộ hạng sang ở các quận trung tâm, các dự án mới công bố gần đây có mức giá đạt kỷ lục mới trên thị trường.
Cụ thể, Dự án Alpha City tại đường Cống Quỳnh, quận 1 (TP.HCM) do Alpha King làm chủ đầu tư có giá 186 – 221 triệu đồng/m2. Tại Dự án The Centenial cũng của chủ đầu tư này, căn hộ có diện tích 85 m2 với 2 phòng ngủ đang được rao bán với giá 21 tỷ đồng. Còn những căn 3 phòng ngủ, có diện tích từ 140 – 180 m2 mức giá khoảng 47,7 – 50 tỷ đồng.
Hay dọc đường Mai Chí Thọ, quận 2, cách đây vài năm, các dự án căn hộ ở đây có giá bán trung bình chỉ từ 30 – 40 triệu đồng/m2, nay các dự án mới đều công bố mức giá bán thấp nhất là 70 triệu đồng/m2. Theo phân tích của các chuyên gia, có thể nói, đây là giai đoạn thị trường bất động sản TP.HCM đạt kỷ lục nhất trong lịch sử về sự tăng giá.
Theo Quốc Trung/Thời báo chứng khoán