Home Ấn tượng 24H Chứng khoán Việt từng chao đảo thế nào khi xuất hiện thông...

Chứng khoán Việt từng chao đảo thế nào khi xuất hiện thông tin bắt đại gia?

0

Hàng tỷ USD giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đã “bốc hơi” sau khi xuất hiện các thông tin bắt đại gia, điển hình là Trần Bắc Hà và bầu Kiên.

Chứng khoán Việt từng chao đảo thế nào khi xuất hiện thông tin bắt đại gia? (Ảnh minh họa)

Đại gia Phạm Nhật Vũ, người dính líu trực tiếp đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG khiến 2 cựu Bộ trưởng vào tù, vừa chính thức bị bắt tạm giam.

Cụ thể, ngày 12/4/2019, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Vũ bị bắt trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong kỳ nghỉ lễ 3 ngày. Phiên giao dịch tiếp theo sẽ bắt đầu vào thứ Ba, tức 16/4/2019, thay vì thứ Hai như thường lệ. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm bớt tâm lý quá khích của nhà đầu tư trước thông tin tiêu cực này.

Thị trường chứng khoán Việt Nam từng chao đảo trước tin bắt các đại gia. Điển hình nhất là “tin đồn” bắt ông Trần Bắc Hà – cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV, mà sau đó, tin đồn này đã trở thành tin thật.

Điểm lại, hồi tháng 2/2013, thị trường xuất hiện tin đồn bắt ông Trần Bắc Hà. Dù ông Hà sau đó đã lên tiếng bác bỏ thông tin này nhưng giá trị vốn hóa toàn thị trường vẫn bị “thổi bay” khoảng 1,5 tỷ USD.

Ngày 9/8/2017, thị trường lại lan truyền thông tin ông Trần Bắc Hà bị bắt, giá cổ phiếu của BIDV nói riêng và của nhóm ngân hàng nói chung đều chịu tác động mạnh. Cổ phiếu của BIDV thời điểm đó thậm chí còn “trắng bên mua”.

Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm gần 18 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016.

Tính chung phiên ngày 9/8, giá trị vốn hóa toàn thị trường đã “bốc hơi” 45.849 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD. Nhóm ngân hàng giảm mạnh nhất khi “bốc hơi” tới 15.725 tỷ đồng, trong đó riêng vốn hóa BIDV đã chiếm một nửa phần giảm trên.

Không chỉ ông Trần Bắc Hà, hồi ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng “hoảng loạn”.

Chỉ tính riêng trong hai ngày 21/8/2012 (ngày bầu Kiên bị bắt) và ngày 22/8/2012, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán đã giảm tới gần 50.000 tỷ đồng, tương đương 2,3 tỷ USD thời điểm đó.

Riêng cổ phiếu ACB đã giảm trên 13% sau hai phiên. Giá trị vốn hóa của ACB theo đó cũng “bốc hơi” gần 3.200 tỷ đồng sau hai ngày.

Không chỉ tin bắt đại gia, nhiều thông tin tiêu cực khác cũng từng tạo ra tâm lý đám đông khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Chẳng hạn như ngày 12/5/2014, VN-Index đã rớt tới gần 30 điểm về mức 512 điểm, sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981.

Hay như phiên 24/8/2015, những lo ngại về việc phá giá tiền đồng đã khiến 180 mã giảm sàn trên cả sàn HoSE và HNX. VN-Index đã mất tới 30 điểm trong phiên này.

Các thông tin như đại dịch Ebola, hay Brexit cũng từng tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam, dù mối liên hệ là không nhiều. Thậm chí một vài năm gần đây, VN-Index nhiều phiên chịu tác động mạnh từ sự biến động của chỉ số Dow Jones của Mỹ, mặc dù mối liên hệ là không rõ ràng.

Tựu chung, tâm lý đám đông là “thủ phạm” chính. Trước các thông tin tiêu cực, nhà đầu tư nên bình tĩnh suy xét và có ứng phó phù hợp với chiến lược đầu tư của mình.

Theo Thanh Long/VietnamFinance