Home Ấn tượng 24H Ám ảnh những món nợ…. 1 đồng, khách hàng phải làm gì?

Ám ảnh những món nợ…. 1 đồng, khách hàng phải làm gì?

0

Nhiều khách hàng liên tục phản ánh việc bị các ngân hàng đòi nợ số tiền chỉ vài nghìn đồng dây dưa trong thời gian dài, thậm chí có món nợ chỉ… 1 đồng.

Nhiều khách hàng bất ngờ bị ngân hàng đòi nợ số tiền rất nhỏ

Dở khóc dở cười vì nợ siêu nhỏ

Thực tế, nhiều khách hàng đã và đang bị các ngân hàng đòi các khoản nợ quá hạn với số tiền rất nhỏ, khiến họ không biết phải thanh toán thế nào. Như trường hợp của một nữ khách hàng tại Quận Phú Nhuận, TP.HCM bất ngờ được ngân hàng thông báo vẫn còn nợ… 1 đồng trên thẻ tín dụng. Trước đó, chị cũng gặp rắc rối khi đóng thẻ tín dụng, vẫn nhận được thông báo hàng tháng số dư nợ chỉ vài chục đồng. Sau khi làm việc, ngân hàng đã xử lý trích trừ tiền từ tài khoản ATM để trả nợ.

Khách hàng này tỏ ra bức xúc khi thẻ tín dụng đã đóng mà vẫn phát sinh nợ trong 3 năm. Chỉ đến khi khách hàng phản ánh thì ngân hàng mới xử lý. Phía ngân hàng lý giải rằng, do ngày thanh toán khoản nợ của khách hàng không trùng với ngày chốt sao kê nên dù đã hai lần thanh toán nhưng khoản nợ vẫn tiếp tục phát sinh trên hệ thống.

Tương tự, món nợ “ám ảnh” nhất mà 20 hộ dân phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) phải trả chỉ là… 1.000 đồng từ 15 năm trước. Theo phản ánh, ngày 16/2/2012, 20 hộ dân này bất ngờ nhận được giấy đòi nợ quá hạn của Ngân hàng NN&PTNT (Agribank Hà Tĩnh) với số tiền lãi rất lớn.

Đơn cử, anh Nguyễn Huy Thủy (phường Đại Nài) đã vay Agribank 7 triệu đồng từ ngày 4/1/1997. Dư nợ đến ngày 16/2/2012 là 1.000 đồng. Song tiền lãi quá hạn đã lên tới 47,88 triệu đồng. Theo anh Thuỷ, năm 2002, gia đình anh đã trả xong nợ và ngân hàng không có bất cứ thông báo gì về khoản vay này cho đến khi nhận được “trát” đòi nợ 1.000 đồng này.

Còn bà Uông Thị Liên (phường Đại Nài) vay Agribank 100 triệu đồng, dư nợ đến ngày 16/2/2012 là 6.000 đồng. Số tiền lãi quá hạn là 75,67 triệu đồng… Tưởng đã trả xong nợ cho ngân hàng và không nhận được thông báo đòi nợ sau đó, gia đình bà Liên vô cùng bức xúc vì món nợ phát sinh từ “trên trời”, kéo dài hàng chục năm qua với số tiền rất lớn.

Giấy đòi nợ Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh gửi bà Uông Thị Liên

Làm sao thoát khỏi những khoản nợ lặt vặt?

Từ phản ánh một số vụ việc khách hàng bị ngân hàng đòi các khoản nợ quá nhỏ, chỉ vài trăm đồng lẻ, đặt ra câu hỏi về kinh tế và pháp luật thú vị. Ngân hàng nên giải quyết những khoản nợ siêu nhỏ ra sao khi chi phí để theo dõi, gửi thông báo, đòi nợ… còn lớn hơn số tiền nợ đó?

Theo Ls. Hồ Thị Trâm, Công ty Luật Phước & Partners, món nợ dù chỉ 1 đồng vẫn là khoản nợ ghi nhận trên sổ sách hệ thống ngân hàng và tiến hành thu đòi nợ theo quy trình. Nhất là khi khoản nợ vào diện nợ quá hạn, phải theo dõi và thu hồi theo quy định.

Tuy nhiên, “có khoản vay quá nhỏ chỉ vài trăm đồng mà đến giờ khách hàng khó tìm được tờ tiền mệnh giá nhỏ, ví như 100 đồng, 200 đồng… để trả ngân hàng, hay ngân hàng phải trả lại tiền thừa cho khách hàng. Vì tiền mệnh giá nhỏ hiện nay gần như ít lưu thông”, luật sư Trâm nói.

Cũng theo bà Trâm, xét ở góc độ kinh tế, việc thu nợ đối với những khoản nợ siêu nhỏ chỉ vài chục đồng, vài nghìn đồng thực sự là không hiệu quả. “Nếu khách hàng còn nợ vài trăm đồng mà ngân hàng vẫn theo dõi khoản nợ và gửi thư nhắc nợ thì thật quá lãng phí. Riêng chi phí theo dõi, in ấn, tiền phong bì, tiền tem (4000đ) . . . cũng không dưới 5000 đồng/thư – tức là gấp nhiều lần giá trị khoản nợ”, bà Trâm đánh giá.

Thế nhưng, món nợ 1 đồng có thể khiến khách hàng gặp rắc rối. Khi món nợ vẫn chưa trả hết, khách hàng sẽ bị hệ thống ngân hàng xếp vào nhóm khách hàng có nợ xấu, khiến cho việc vay vốn, mở thẻ tín dụng sau này bị ảnh hưởng.

Ở góc độ pháp lý, khách hàng và ngân hàng có thể đối mặt với tình huống pháp lý phát sinh không đáng có. Căn cứ Điều 150.2 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu miễn trừ là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó người có nghĩa vụ dân sự được miễn trừ. Ví dụ thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Hết hạn 3 năm đó, các bên không thể kiện tụng nhau nữa và được “giải phóng” khỏi nghĩa vụ hợp đồng đã giao kết.

Trường hợp ngân hàng vẫn thực hiện đòi nợ mà bên nợ vẫn tự nguyện trả thì không trái pháp luật vì đó là sự chấp nhận của khách hàng.

Ngược lại, cá nhân có nợ sẽ được giải phóng khi chiếu theo quy định pháp luật nêu trên. Lúc đó, ngân hàng cũng sẽ không có cơ sở để khởi kiện khả thi và nếu ngân hàng cứng nhắc trong việc xử lý, lý lịch nợ xấu của khách hàng cũng sẽ bám đuổi khách hàng mãi. Trong khi đó áp dụng thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ, ngân hàng hoàn toàn có cơ sở để xóa bỏ dư nợ đồng lẻ, giúp tiết kiệm chi phí cho ngân hàng.

“Ngân hàng có thể lựa chọn giải pháp áp dụng quy định thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự nêu trên để linh động giải quyết các khoản dư nợ đồng lẻ. Đây là cách giải quyết hoàn toàn phù hợp pháp luật và không gây phiền hà, bối rối cho khách hàng”, luật sư Trâm khuyến nghị cách ngân hàng và khách hàng được “giải thoát” khỏi những ám ảnh nợ nần không đáng có.

P.P (Công ty Luật Phước& Partners)

Theo Kinh tế môi trường