Home Ấn tượng 24H Quý 1/2019, lợi nhuận SCG tăng 11% so với quý trước

Quý 1/2019, lợi nhuận SCG tăng 11% so với quý trước

0

Tập đoàn SCG vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2019 với chiến lược thúc đẩy tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt trong ngành bao bì và phát triển hệ thống phân phối xi măng – vật liệu xây dựng vốn đã có những bước tiến vững chắc trong thời gian qua.

SCG công bố kết quả kinh doanh Quý 1/2019

Kết quả kinh doanh tổng thể cho thấy lợi nhuận tập đoàn tăng 11% so với quý trước nhưng giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sự biến động giá dầu và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ông Roongrote Rangsiyopash – Chủ tịch và CEO tập đoàn SCG công bố kết quả kinh doanh trước kiểm toán của công ty trong Quý 1/2019, trong đó doanh thu bán hàng đạt 82.450 tỉ đồng (3.554 triệu USD), giảm 4% so với quý trước và 5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhu cầu về các sản phẩm hoá chất giảm trên phạm vi toàn cầu, dẫn đến giá hoá chất giảm. Trong khi đó, lợi nhuận trong quý đạt 8.556 tỉ đồng (369 triệu USD), tăng 11% so với quý trước phần lớn nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp thành viên, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước lợi nhuận giảm 6% do hiệu quả kinh doanh của ngành hoá chất đi xuống về mặt lợi nhuận.

Doanh thu bán hàng của các sản phẩm giá trị gia tăng cao (HVA) của tập đoàn trong quý 1/2019 đạt 33.356 tỉ đồng (1.438 triệu USD), gần tương đương với doanh thu năm ngoái, chiếm 40% tổng doanh thu bán hàng của SCG. Bên cạnh đó, tập đoàn đầu tư 1,3% tổng doanh thu bán hàng, tương đương với 1.056 tỉ đồng (46 triệu USD) vào hoạt động nghiên cứu đổi mới và phát triển.

Riêng tại khu vực ASEAN (ngoại trừ Thái Lan), doanh thu bán hàng của SCG tại khu vực này giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 19.651 tỉ đồng (847 triệu USD), chiếm 24% tổng doanh thu bán hàng của tập đoàn. Doanh thu bao gồm doanh số bán hàng từ các doanh nghiệp tại thị trường ASEAN và doanh số hàng nhập khẩu từ Thái Lan.

Tính đến ngày 31/3/2019, tổng tài sản của SCG đạt 436.460 tỉ đồng (18.814 triệu USD), trong đó tổng tài sản của SCG tại khu vực ASEAN (ngoại trừ Thái Lan) đạt 118.753 tỉ đồng (5.119 triệu USD), chiếm 27% tổng tài sản tập đoàn.

88

Sản phẩm ống hút giấy có thời gian sử dụng lên tới 4 giờ và an toàn cho người sử dụng

Đối với SCG tại Việt Nam, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2019, tại Việt Nam, tập đoàn SCG đang sở hữu khối tài sản trị giá 50.067 tỉ đồng (2.158 triệu USD), tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tiến độ của dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam. Doanh thu bán hàng quý 1/2019 của tập đoàn đạt 6.798 tỉ đồng (293 triệu USD) bao gồm doanh thu bán hàng từ các doanh nghiệp nội địa và doanh thu hàng nhập khẩu từ Thái Lan, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước nhờ ngành hoá chất.

Ông Roongrote Rangsiyopash cho biết: “Các đơn vị kinh doanh của SCG áp dụng các chiến lược cốt lõi để tăng trưởng lành mạnh và sẵn sàng ứng biến khi đối mặt với các thách thức. Ngành kinh doanh bao bì hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp giải pháp bao bì toàn diện bằng cách thành lập nhiều cơ sở sản xuất bao bì tại ASEAN, đặc biệt tại các thị trường có nhiều cơ hội tăng trưởng, đồng thời cũng tiếp tục phát triển công nghệ và cải tiến để tăng giá trị cho sản phẩm, dịch vụ và quy trình sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.”

Chủ tịch SCG cho biết thêm: “SCG cũng thúc đẩy mô hình nền kinh tế tuần hoàn với việc thực thi “Định hướng tuần hoàn SCG” (SCG Circular Way), hướng đến tối ưu hoá khai thác hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng vật liệu thải và giảm lượng nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình sản xuất mà vẫn duy trì các phẩm chất ưu việt của sản phẩm. Một ví dụ điển hình là sản phẩm ống hút giấy mới được phát triển của chúng tôi, có thời gian sử dụng lên tới 4 giờ và an toàn cho người sử dụng, túi giấy phủ FibroZeal, và quy trình sản xuất bao bì nhựa đơn vật liệu.”

Bên cạnh đó, SCG đã tiến một bước rất xa trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và kết hợp với các đối tác quốc tế nhằm mở rộng danh mục sản phẩm, dịch vụ và các giải pháp tích hợp của tập đoàn tại thị trường ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ. Sự biến đổi này đã dẫn tới việc đổi tên công ty SCG Trading thành SCG International và tăng cường thương mại quốc tế với các công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các giải pháp tổng thể, đồng thời nâng cấp dịch vụ hậu cần (logistics) để đáp ứng nhu cầu của thị trường…

Theo Hường Hồ/Thương Gia