Home Ấn tượng 24H Tín dụng đen đã phần nào được kiềm chế

Tín dụng đen đã phần nào được kiềm chế

0

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên quan đến tín dụng đen đã đạt được nhiều kết quả góp phần kiềm chế hoạt động của các tổ chức này.

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, năm 2018, Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý hơn 2.500 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”; trong đó khởi tố 34 vụ, với 66 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và 2.353 vụ án khác có liên quan (84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 105 vụ cướp tài sản và 1.309 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến “tín dụng đen”).

Trong 5 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã triệt phá 933 băng, nhóm tội phạm (riêng đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ 16/12/2018 đến 15/2/2019, đã triệt phá 436 cơ sở, khởi tố 12 vụ, 358 bị can liên quan tín dụng đen); trong đó, đã chủ động đồng loạt ra quân, đấu tranh triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê.

Điển hình như Vụ phá đường dây cho vay lãi nặng, tạm giữ hình sự 11 đối tượng, thu giữ 11 tỷ đồng, 3 xe ôtô tại Hà Nội; vụ triệt phá nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen núp dưới danh nghĩa Công ty Tài chính Nam Long, bắt giữ 18 đối tượng thuộc 32 chi nhánh ở nhiều địa phương tại Thanh Hóa.

Những kết quả này đã kiềm chế, làm cho hoạt động của tội phạm có tổ chức nói chung, các băng nhóm liên quan đến tín dụng đen nói riêng không còn manh động, công khai như trước.

Đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong đấu tranh phòng chống tội phạm tín dụng đen nhưng từ những kết quả đã đạt đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) lại lo ngại diễn biến phức tạp của loại tội phạm này.Đại biểu chất vấn: “Đâu là giải pháp xử lý dứt điểm loại tội phạm này?”.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, bản chất của tín dụng đen là quan hệ về dân sự, về kinh tế thông thường giữa người vay và người đi vay. Tuy nhiên, vấn đề này lại có một giới hạn nhất định mà nếu vượt qua giới hạn đó sẽ trở thành vấn đề về hình sự.

Theo Bộ trưởng, người đi vay cần huy động một khoản tiền trong một thời gian rất nhanh để giải quyết công việc cấp bách, đạt mục tiêu cần làm ngay của mình. Lợi dụng tâm lý đó, người cho vay tín dụng đen lấy lãi suất rất cao, có khi lên tới 300%.

Khi vay với lãi suất cao như vậy thì người đi vay sử dụng vốn vay đó cũng có nguy cơ rất cao sử dụng vào mục đích không lành mạnh. Có thể nói, cả người cho vay và người đi vay tín dụng đen đều có dấu hiệu của tội phạm.

Trước vấn đề còn gây nhiều bức xúc trong xã hội như tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra 3 giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tín dụng đen và các loại băng nhóm tội phạm liên quan đến lĩnh vực này.

Thứ nhất, Bộ Công an cần tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen như hiện nay.

Thứ hai, về mặt pháp luật, Bộ trưởng khẳng định đối tượng đang lợi dụng kẽ hở của luật pháp để gây khó khăn cho việc xử lý loại tội phạm này. Vì thế, đề xuất khẩn trương có hướng dẫn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen.

Thứ ba, Bộ trưởng đề nghị phía ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng, vốn lành mạnh, không cho tín dụng đen có đất hoạt động.

Theo Anh Minh/Thương Gia