Home Ấn tượng 24H Chính phủ rất mong muốn đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt

Chính phủ rất mong muốn đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt

0

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, vấn đề lúc này phải làm sao để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.  

Chính phủ rất mong muốn đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt. Ảnh minh họa

Nên giảm các thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt

Không chỉ đơn giải là thói quen của người tiêu dùng mà là sự trải nghiệm không dùng tiền mặt chưa thực sự thuận lợi bằng dùng tiền mặt. Mặt khác, quy trình xây dựng ví điện tử vẫn có nhiều rào cản, lấy ví dụ Apps của những đơn vị thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua 8 bước. Điều này vô hình chung thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng.

Ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc điều hành Shopee cũng cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn ở mức khiếm tốn, khi mà mỗi ngày có vài chục ngàn đơn hàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo vị này, lý do bởi 7 nước mà Shopee đang hoạt động thì Việt Nam hiện đạt tỷ lệ thanh toán tiền mặt cao nhất, như vậy tất cả đã tự động, điện tử rồi nhưng khâu quan trọng nhất lại là thu tiền mặt. “Người tiêu dùng của chúng tôi tuyệt đại đa số là người trẻ dưới 35 tuổi. Các nước không dùng tiền mặt, còn Việt Nam thì lại dùng tiền mặt”, ông Tuấn Anh nói.

Doanh nghiệp rất hưởng ứng nộp thuế điện tử

Tiếp tục thảo luận về giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, khi được đặt nghi vấn về việc thu thuế điện tử 24/7, ông Đinh Ngọc Thắng – Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, thực tế không có vấn đề như đã nộp tiền nhưng vẫn bị cưỡng chế, trong đó thông tin tờ khai hải quan đã được kết nối ngân hàng nhằm tránh sai sót.

Được biết năm 2018, Cơ quan hải quan đã kết nối giữa các ngân hàng phối hợp để thực hiện thu thuế điện tử. Ghi nhận, doanh nghiệp rất hưởng ứng do có thể nộp thuế mọi lúc mọi nơi, từ đó hàng hóa có thể được thông quan ngay hỗ trợ tiếp kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí.

Mặt khác, các dữ liệu bộ hồ sơ hải quan được kết nối qua ngân hàng sai sót rất ít. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn muốn kết nối dữ liệu Hải quan và ngân hàng tốt hơn. Hiện, theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành tăng cường cải cách, đặc biệt ngành ngân hàng và tài chính đã chuẩn bị sẵn sàng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp là đơn vị thụ hưởng vẫn chưa sẵn sàng từ nguồn nhân lực đến trang thiết bị. Hiện còn 9% doanh nghiệp nộp thuế tại kho bạc, do đó cần phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tốt hơn nữa, ông Thắng nói.

Điểm nghẽn trong thanh toán không tiền mặt dịch vụ công nằm ở tâm lý của người dân

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt là tất yếu không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, vấn đề lúc này phải làm sao để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gợi ý, mỗi ngân hàng nên dành một ô ưu tiên dịch vụ công để ưu tiên trong phần mobile banking. Bởi, dịch vụ hạ tầng đã sẵn sàng nhưng chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa về thanh toán. Bên cạnh đó, hệ thống tập trung, cơ sở dữ liệu ngành ngân hàng cần thay đổi, trong đó cần thiết để ban hành nghiệp vụ trên cơ sở công nghệ thông tin.

Bổ sung vấn đề này, bà Phùng Nguyễn Hải Yến – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, ở góc độ ngân hàng thương mại, Vietcombank nhận thấy rằng đã đủ đáp ứng cho việc mở rộng thanh toán các dịch vụ công, từ các kênh thanh toán truyền thống đến hiện đại như QR Code, thanh toán không tiếp xúc…

Do đó, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế để cho phép Kho bạc nhà nước mở tài khoản thu tại các ngân hàng thương mại.

NHNN sẽ chi tiết hoá truyền thông cho từng nhóm đối tượng

Về phía cơ quan chức năng, thời gian qua NHNN đã phối hợp với rất nhiều cơ quan truyền thông để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, nâng cao nhận thức của người dân.

Bà Lê Thị Thuý Sen – Vụ Phó vụ Truyền thông NHNN cho biết, NHNN xác định đây vấn đề rất quan trọng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trong thời gian tới, NHNN sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông hơn nữa, trong đó sẽ tiến hành phân chia theo lứa tuổi, từ học sinh tiểu học, trung học phổ thông, đối tượng vùng sâu, vùng xa, ít khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng để truyền thông về tiện ích của thanh toán không tiền mặt, cũng như việc làm sao đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, NHNN cũng phối hợp với cơ quan bộ ngành, trung gian thanh toán để triển khai các đề án của Chính phủ trong đó có đề án thanh toán không dùng tiền mặt, đề án tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính…để góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính.

Tích cực triển khai đề án thanh toán viện phí qua ngân hàng tại thành phố lớn

Hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khá cao, khoảng 87,72% dân số. Do đó, 70% tổng số thu dịch vụ sự nghiệp công của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phần thanh toán BHYT là chuyển khoản về tài khoản của đơn vị tại Kho bạc nhà nước.

Ghi nhận, đa số việc chi trả và phần thu của đối tượng không thanh toán bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ khoảng 30% trong tổng thu dịch vụ sự nghiệp công của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Và, số thu này hiện nay phần lớn các đơn vị đang thu bằng tiền mặt, vị này nói.

Mặc dù vậy, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế đã triển khai Đề án nhờ Ngân hàng thu hộ. Cuối mỗi ngày, Ngân hàng đến nhận số tiền mặt của bệnh viện chuyển về tài khoản của bệnh viện tại Ngân hàng.

Tựu trung lại, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng, Bộ Y tế cho rằng cần có giải pháp cụ thể từ phía NHNN, Ngân hàng thương mại. Theo đó, ngân hàng cần tích cực tham gia vào việc triển khai Đề án, cần trang bị các thiết bị phục vụ việc thanh toán được nhiều loại thẻ.

Kết thúc Hội thảo với hai chủ đề “Thanh toán không tiền mặt đối với dịch vụ công” và “Giải pháp và cơ hội cho người dùng trong xã hội không tiền mặt”, Uỷ viên Ban Chấp hành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Hội thảo với sự có mặt của nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, chính quyền TP.HCM đã cho thấy quan tâm, mong muốn của Chính phủ trong đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt. Theo đó, ngày 16/6 sắp tới sẽ chính thức là Ngày không tiền mặt Việt Nam.

Theo Thu Hoài/Thời báo chứng khoán