Home Ấn tượng 24H Vĩnh Hoàn thoái vốn khỏi hai công ty liên kết

Vĩnh Hoàn thoái vốn khỏi hai công ty liên kết

0

HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) thông qua việc chuyển nhượng 25% cổ phần sở hữu tại Octogone Holdings Pte. Ltd và 35% cổ phần sở hữu tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang.  

Vĩnh Hoàn thoái vốn khỏi hai công ty liên kết

CTCP Vĩnh Hoàn vừa thông báo thoái vốn tại hai công ty liên kết. Cụ thể, Hội đồng Quản trị (HĐQT) thống nhất thông qua việc chuyển nhượng 25% cổ phần Công ty Octogone Pte.Ltd thuộc sở hữu của Vĩnh hoàn và ủy quyền cho bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tổ chức phân công và theo dõi thực hiện kế hoạch.

HĐQT cũng thống nhất thông qua việc chuyển nhượng 35% công ty TNHH Chế biến Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang (VDTG) thuộc sở hữu của CTCP Vĩnh Hoàn và ủy quyền Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tổ chức phân công và theo dõi thực hiện kế hoạch.

Hiện VDTG chiếm khoảng 12% lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn trong quý I/2019 và có hoạt động kinh doanh tương tự Vĩnh Hoàn. Trong khi đó, Octogone hỗ trợ hoạt động của công ty tại Trung Quốc về bán hàng và logistics.

Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sản lượng cá nguyên liệu tự nuôi năm 2019 của Vĩnh Hoàn dự kiến tăng thêm 40% nhờ các vùng nuôi hiện hữu đã mua thêm trong năm 2018 và vùng nuôi Tân Hưng bắt đầu cho thu hoạch trong tháng 7-8/2019.

Với vùng nuôi khoảng 500 ha, năng suất trung bình 350-450 tấn/ha, hiện Vĩnh Hoàn đang tự chủ khoảng 65% nguyên liệu cho 6 nhà máy sản xuất cá tra, 2 nhà máy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, 3 nhà máy chế biến bột cá và mỡ cá. Cùng với đó, Vĩnh Hoàn chỉ đang tự chủ được 30% con giống.

Công suất chế biến cá tra cũng sẽ tăng từ mức 1.000 tấn nguyên liệu/ngày hiện nay lên 1.100 tấn nguyên liệu/ngày vào cuối năm nhờ đầu tư mở rộng nhà máy Thanh Bình.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng, giá bán trong các quý còn lại của năm khó có khả năng duy trì mức cao như quý đầu năm. Một phần do doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giảm để khôi phục thị phần tại các thị trường đã giảm sút trong năm 2018, tăng thị phần tại Trung Quốc và thâm nhập một số thị trường mới ở Trung Đông và Mỹ Latinh.

Riêng thị trường Trung Quốc, từ năm 2019, công ty đẩy mạnh kênh bán lẻ thông qua trang thương mại điện tử Alibaba, tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) có giá bán cao.

Được Alibaba chọn làm nhà cung cấp nhờ danh tiếng tại thị trường Mỹ, VDSC cho rằng Vĩnh Hoàn đẩy mạnh kênh phân phối này sẽ tạo được lợi thế về tiếp thị và tăng hiệu quả kinh doanh so với nhiều công ty trong ngành khi cắt giảm được chi phí thuê gian hàng, chi phí quảng cáo trong khi được tiếp xúc trực tiếp với các khách hàng thu nhập cao có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm GTGT.

Theo Hoàng Hà/Thời báo chứng khoán