Đại biểu quốc hội đề xuất bổ sung quy định huy động nguồn vốn vàng, tài sản, bất động sản trong dân để chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu, nhằm có thêm nguồn lực phát triển kinh tế.
Tại hội trường về Luật chứng khoán sửa đổi chiều 13/6, ĐBQH Lê Công Nhường (tỉnh Bình Định) cho rằng nguồn lực tài sản (đất đai, vàng…) trong dân là rất lớn, song chưa được huy động hiệu quả. Do đó, ông Nhường đề xuất Luật chứng khoán sửa đổi cần bổ sung quy định cho phép Ủy ban Chứng khoán thành lập công ty đầu tư như Temasek của Singapore… để huy động nguồn vốn đầu tư của người dân và quản lý, sử dụng vốn cho hiệu quả.
Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, đòi hỏi đầu tư vốn nhà nước phải đảm bảo tài sản, quy đổi ra trái phiếu và cổ phiếu. Cách làm đó có thể tạo thành “con gà đẻ trứng vàng” trong huy động nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế thay vì chỉ phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, đồng thời, tạo thêm nguồn hàng hoá cho thị trường chứng khoán…
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỉ USD nằm trong dân mà chưa được huy động hết. Mặc dù hoạt động huy động vàng của các TCTD đã bị chấm dứt kể từ ngày 26/11/2012, song ngân hàng vẫn huy động được một phần vàng trong dân. Lợi ích của việc gửi vàng không còn hấp dẫn như trước. Người dẫn vẫn đua nhau tích trữ vàng, ảnh hưởng đẩy giá vàng lên cao, gây bất ổn cho nền kinh tế. Nhưng khi có cơ chế quản lý thị trường vàng, nguồn lực vàng trong dân đã được “huy động” hiệu quả hơn cho nền kinh tế, ngăn chặn những “cơn điên” của giá vàng, giữ ổn định thị trường…
Thêm vào đó, Chính phủ có thể mở rộng sản phẩm hàng hóa như thị trường cho vay thứ cấp, khoản vay thứ cấp bất động sản, vàng, đôla, xăng dầu, dầu khí, chống rủi ro cho nhà đầu tư. Song vai trò điều tiết thị trường không dừng lại ở Bộ Tài chính mà phải là cơ quan lớn hơn.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lại cho rằng cần giữ nguyên như quy định hiện hành là cơ quan này trực thuộc Bộ Tài chính, đảm bảo thực hiện nghị quyết của Đảng là không thành lập tổ chức mới trên tinh thần sắp xếp không tăng thêm đầu mối, không tăng bộ máy và biên chế. Trong khi tách Ủy ban Chứng khoán ra khỏi Bộ Tài chính đồng nghĩa tăng đầu mối, biên chế và tăng chi ngân sách. Quan trọng là con người, chất lượng bộ máy, sự chuyên nghiệp và cơ chế hoạt động để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng: “Cần trao cho Ủy ban Chứng khoán thẩm quyền điều tra giống như thẩm quyền điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh. Có như vậy Ủy ban Chứng khoán mới có năng lực phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp”.
Một vấn đề được ĐBQH đặt ra là ngăn tình trạng “cổ phiếu trà đá”, tức giá trị cổ phiếu chỉ tương đương hoặc thấp hơn giá trà đá, song vẫn tồn tại trên thị trường, thậm chí có lúc tăng trần mà không rõ lý do. Nhiều nhà đầu tư đã bị thiệt hại vì cổ phiếu giảm giá quá sâu.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, loại cổ phiếu này nhà đầu tư mua bao nhiêu cũng không có quyền lợi gì, giá trị chỉ là trên giấy, do đó cần siết chặt, cải tổ thị trường chứng khoán, giảm rủi ro và mang lại niềm tin cho nhà đầu tư. Theo ông Thường, Luật chứng khoán phải chặt, ngăn hiện tượng hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, đưa cổ phiếu lên sàn để trục lợi, thực hiện kỹ thuật làm đẹp báo cáo tài chính… Lúc chào sàn thì cổ phiếu sôi động nhưng sau đó thì thanh khoản rơi và làm mất tiền của nhiều nhà đầu tư. Luật cũng cần bổ sung trách nhiệm trong xét duyệt đầu tư lên sàn”, ông Thường đề nghị.
Do đó, nhiều ý kiện đại biểu cho rằng mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ cần nâng lên 30 tỉ đồng thay vì mức 10 tỉ đồng là quy mô khá nhỏ so.
Theo Hải Hà/Kinh tế môi trường