Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), các đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp đều chưa được giải quyết do Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố “gây khó khăn”.
HoREA vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, UBND TP.HCM, đề nghị giải quyết “ách tắc” về chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết và lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quỹ đất bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, xen cài đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trên địa bàn thành phố (đất hỗn hợp).
Theo đó, trong khoảng 3 năm trở lại đây, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư cho khoảng 130 dự án có quỹ đất hỗn hợp, nhưng vẫn cho rằng những dự án này chưa đảm bảo đúng các thủ tục hành chính, “gây khó khăn” cho các chủ đầu tư.
Mặt khác, nhiều dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư không được nộp hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dẫn đến chậm hoàn thành thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án để thực hiện các thủ tục hành chính tiếp theo.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết: “Luật Đầu tư chỉ quy định thủ tục ban hành quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, chứ không có quy định thêm thủ tục nào khác về chấp thuận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư như cách hiểu của một số cán bộ công chức hiện nay”.
Theo ông Châu, cụm từ “chấp thuận đầu tư” tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đang bị hiểu sai và chưa đồng nhất với thủ tục ban hành quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Khái niệm “nhà đầu tư” trong Luật Đầu tư là chính xác đối với các loại hình dự án sản xuất kinh doanh, nhất là dự án nhà ở thương mại vì tại thời điểm này, nhà đầu tư chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận chủ đầu tư.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, chỉ có khoảng 26% dự án nhà ở thương mại có 100% quỹ đất ở, trong khi 74% dự án còn lại có quy mô diện tích lớn ở các quận ven đô và huyện ngoại thành đều có quỹ đất hỗn hợp.
Trước đây, sau khi đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp… để tạo lập quỹ đất “sạch” của dự án, doanh nghiệp được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở. Hiện nay lại có ý kiến cho rằng, phải thực hiện đấu giá hoặc đấu thầu quỹ đất “sạch” mà doanh nghiệp đã bồi thường để lựa chọn chủ đầu tư.
Không đồng tình với ý kiến này, HoREA cho rằng quỹ đất “sạch” là do doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 55, Khoản 3 Điều 58, Khoản (1.b) Điều 169, Khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai. Riêng với các trường hợp đấu giá đất để thực hiện dự án nhà ở, dự án sản xuất kinh doanh theo quy định tại Khoản (4.d) Điều 39, Khoản (1.a) Điều 118 và Khoản (1.b) Điều 119 Luật Đất đai, phải có 2 điều kiện là có quỹ đất “sạch” thuộc Nhà nước quản lý và nếu có tài sản trên đất thì tài sản này thuộc sở hữu Nhà nước.
Theo Diệu Anh (TH)/Kinh Tế Môi Trường