Lượng trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành lên tới 36.700 tỉ đồng, chiếm 36% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong 6 tháng đầu năm 2019. Ngân hàng cần tăng vốn cấp 2 để mở rộng cho vay, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn của Basel II.
Ngày 9/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành và Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011-2018 và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nửa đầu năm nay, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 116.085 tỉ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018/ Trong đó, khoảng 36% tương đương 36.700 tỉ đồng là trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành.
Khối các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 22.122 tỉ đồng trái phiếu, chiếm tỷ trọng 19%. Trong khi đó, lượng trái phiếu phát hành của công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các doanh nghiệp khác.
Lãi suất TPDN bình quân là 9,5%-11%/năm, cao hơn khoảng 0,5% so với mức cho vay phổ biến của các ngân hàng thương mại.
Đến hết tháng 9/2019, quy mô thị trường TPDN có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ 2018, vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá thị trường TPDN đã phát triển nhanh chóng trong thời gian qua do nhu cầu vốn lớn cho phát triển kinh tế, tín dụng có xu hướng được quản lý chặt chẽ hơn, nhất là các lĩnh vực còn nhiều rủi ro như bất động sản… Do đó, kênh phát hành trái phiếu là nguồn huy động vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho vay của các ngân hàng, hỗ trợ các ngân hàng huy động vốn trái phiếu để tăng vốn cấp 2…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra một số vấn đề rủi ro tiềm ẩn nếu không kiểm soát tốt việc phát hành TPDN. Cụ thể, lãi suất trái phiếu cao từ 13- 14%, cá biệt có doanh nghiệp bất động sản đưa mức lãi suất trái phiếu tới 14-15%, cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng…
Trong khi đó, tổ chức phát hành TPDN hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro.
Điểm đáng ngại là khoảng 70% doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý. Tiền bán trái phiếu có thể sử dụng chưa đúng mục đích do chưa có báo cáo sử dụng vốn có ý kiến của kiểm toán theo quy định của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Và 98% các đợt phát hành là riêng lẻ.
Những vấn đề này sẽ có rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô.
Trên thực tế, thời gian qua các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 từ đó có thêm dư địa tăng trưởng tín dụng trong xu hướng bị siết chặt cho vay. Vốn cấp 2 là một yếu tố quan trọng để xác định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng.
Ngân hàng cũng cần huy động thêm vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Basel II và lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến tháng 4/2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài – hạn của khối ngân hàng cổ phần là 31,52%, trong khi ngân hàng quốc doanh ở mức 30,99%. Một số ngân hàng có tỷ lệ phát hành trái phiếu quy mô lớn gần đây và thực tế, có tỷ lệ cho vay trung – dài hạn tương đối cao như trường hợp VPBank đã liên tục tăng trưởng tín dụng “nóng” trong 4 năm gần đây. Đến hết quý 1/2019, tỷ lệ vốn vay trung – dài hạn trên tổng dư nợ cho vay của VPBank đạt gần 66%.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán MB (MBS), trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng thương mại đã huy động gần 18.200 tỉ đồng trái phiếu, chủ yếu là kỳ hạn 3 – 5 năm. Nếu tính cả những đợt phát hành gần đây, tổng giá trị công cụ nợ này đã vượt 1 tỉ USD, tương đương hơn 23.000 tỉ đồng.
Mới đây, vào tháng 7/2019, ngân hàng VPbank cho biết đã hoàn thành đợt phát hành 300 triệu USD trái phiếu quốc tế (tương đương hơn 7.100 tỉ đồng) với kỳ hạn 3 năm. Đợt phát hành này do các ngân hàng là BNP Paribas, JP Morgan và Standard Chartered tư vấn. Được biết, lãi suất danh nghĩa của trái phiếu VPBank là 6,25% và được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%. Mục đích phát hành trái phiếu của VPBank nhằm tăng quy mô nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn huy động vốn trung dài hạn để phục vụ cho các hoạt động cho vay trung dài hạn, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật và các đối tác.
LienVietPostBank cũng hoàn tất việc bán 3.100 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Trước đó, các ngân hàng đang chịu áp lực tăng vốn như BIDV, Vietinbank, HDBank, ACB… cũng đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu. Gần đây, trong nỗ lực tái cơ cấu mạnh mẽ và nâng cao năng lực tài chính, Eximbank đã thông qua chủ trương phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu.
Nhằm phát triển thị trường trái phiếu dài hạn và bền vững, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật chứng khoán theo ý kiến của UBTVQH và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, rà soát quy định cụ thể phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro.
Đối với việc phát hành TPDN ra công chúng, Bộ Tài chính sửa đổi các quy định để rút ngắn quy trình phát hành, thúc đẩy doanh nghiệp huy động vốn theo phương thức này, gắn phát hành ra công chúng bắt buộc với xếp hạng tín nhiệm, phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong phát hành trái phiếu…
Theo Kim Anh/Môi trường và Đô thị