Qua gần 2 thập kỷ hình thành, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đã có bước phát triển đáng kể, nhưng vẫn còn khá nhỏ bé so với các nước trong khu vực.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) kỳ vọng, thị trường TPCP sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong 7 tháng đầu năm, phát hành TPCP mới đạt 38% kế hoạch. Từ nay đến cuối năm liệu có phát hành đủ 275.970 tỷ đồng không, thưa bà?
Phát hành TPCP từ đầu năm đến nay chậm so với tiến độ không phải do công tác phát hành, mà do giải ngân vốn đầu tư chậm, đặc biệt trong 4 tháng đầu năm. Vốn TPCP là vốn đi vay, sử dụng đến đâu vay nợ đến đó, chứ không phải vay về rồi đem gửi ngân hàng. Vì thế, khi phát hành phải tính đến khoản tồn dư ngân quỹ và thu ngân sách nhà nước. Trong khi tồn dư ngân quỹ vẫn còn nhiều, thu ngân sách vượt chi thường xuyên và chi đầu tư thì việc vay nợ không nhất thiết phải thực hiện đúng theo kế hoạch.
Năm nay, Thủ tướng Chính phủ giao huy động TPCP 146.770 tỷ đồng để trả nợ gốc, số tiền này phải huy động đủ để bảo đảm không xảy ra nợ quá hạn. Huy động TPCP 42.230 tỷ đồng về cho vay lại thì tùy thuộc vào đối tượng vay lại có hấp thụ được vốn vay hay không. Vay để bù đắp bội chi 195.000 tỷ đồng phụ thuộc vào tiến độ giải ngân dự án đầu tư công. Và cuối cùng, việc có phát hành đủ 275.970 tỷ đồng hay không là do Quốc hội quyết định, nếu Quốc hội quyết định giảm bội chi như năm 2017 giảm bội chi 6.000 tỷ đồng thì không nhất thiết phải huy động đủ vốn theo kế hoạch.
Thị trường TPCP Việt Nam chính thức hình thành từ năm 2000 bằng Nghị định 01/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Thưa bà, qua gần 2 thập kỷ, đến nay thị trường này đứng ở vị trí nào so với các nước trong khu vực?
Nhằm tạo lập kênh huy động vốn cho ngân sách nhà nước xử lý bội chi, tái cơ cấu nợ, ngay từ năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2000/NĐ-CP. Từ đó đến nay, hành lang pháp lý nhằm phát triển thị trường TPCP liên tục được hoàn thiện theo thông lệ quốc tế như Nghị định 141/2003/NĐ-CP về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương; Nghị định 01/2011/NĐ-CP (thay thế Nghị định 141/2003/NĐ-CP) và gần đây nhất là Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Thị trường TPCP Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng còn quá nhỏ so với các nước trong khu vực và so với tiềm năng của nền kinh tế. Cụ thể, hiện tại quy mô thị trường TPCP tương đương 29,2% GDP năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ này của Malaysia tương đương 49,7% GDP; Singapore 49,6% GDP; Thái Lan 53% GDP; Hàn Quốc 73,6% GDP; Trung Quốc 49,8% GDP… Tuy nhiên, nếu nhìn lại, năm 2014, quy mô thị trường TPCP của Việt Nam mới chiếm 13,84% GDP, hiện nay tương đương 29,2% GDP để thấy thị trường TPCP đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Phát triển mạnh mẽ, nhưng vấn đề là phải bền vững?
Không phải Bộ Tài chính, mà các tổ chức tài chính quốc tế cũng thừa nhận thị trường TPCP Việt Nam ngày càng phát triển bền vững.
Thứ nhất, kỳ hạn phát hành bình quân hàng năm đã được cải thiện, năm 2017 đạt mức 12,74 năm, 7 tháng đầu năm 2018 đạt mức 13,16 năm, trong khi năm 2013 chỉ có 2,38 năm. Kỳ hạn bình quân của danh mục nợ TPCP đã được kéo dài từ mức 3,21 năm vào thời điểm cuối năm 2013 lên mức 6,71 năm vào thời điểm cuối năm 2017 và lên mức 6,73 năm vào thời điểm hiện nay.
Từ đầu năm đến nay, kỳ hạn TPCP dưới 10 năm (5 năm và 7 năm) chỉ chiếm 18% tổng khối lượng phát hành, còn lại là kỳ hạn dài trên 10 năm, trong đó, kỳ hạn 20 năm và 30 năm chiếm 15,6% tổng khối lượng phát hành. Điều đáng ghi nhận nữa là, ngoài nhà đầu tư trong nước, Việt Nam đã thu hút được cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia, đã cho thấy nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào thị trường trái phiếu.
Thứ hai, tính thanh khoản của thị trường ngày càng được cải thiện. Nếu như quy mô giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp trong giai đoạn 2011 – 2013 bình quân chỉ đạt 1.000 – 2.000 tỷ đồng/phiên, thì năm 2017 đã đạt khoảng 9.000 tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2018 đạt 10.400 tỷ đồng/phiên. Tính thanh khoản có vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển của thị trường trái phiếu, bởi nhà đầu tư chỉ đầu tư vào trái phiếu khi họ có thể dễ dàng bán lại khi cần thay đổi danh mục đầu tư hoặc tối đa hóa lợi nhuận.
Thị trường trái phiếu là thị trường vốn dài hạn, liệu thị trường TPCP có thực sự bền vững không, khi mà tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam thiếu vốn dài hạn?
Tôi cho rằng, nhận định này không sai, chính vì vậy, Bộ Tài chính đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn dài hạn cho thị trường TPCP và đã đạt được kết quả bước đầu. Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2014, các ngân hàng thương mại nắm giữ đến 79,7% thị phần TPCP. Ngân hàng thương mại chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn, nên chỉ đầu tư vào TPCP kỳ hạn ngắn, thường là 3-5 năm. Nhưng hiện tại, các ngân hàng thương mại chỉ nắm giữ 51,1% thị phần, số còn lại là do các định chế có nguồn vốn dồi dào nắm giữ như Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư khác nắm giữ.
Theo thống kê thì 85% số dư tiền gửi tại các ngân hàng thương mại là tiền gửi tiết kiệm của cư dân. Để thu hút một phần số tiền này, Bộ Tài chính đã và đang nỗ lực phát triển thị trường bảo hiểm để thu hút người dân dành một phần số tiền gửi ngân hàng tham gia mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng tiền phí bảo hiểm đầu tư vào thị trường TPCP. Nếu tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm thì sẽ có được nguồn vốn dài hạn đầu tư vào thị trường TPCP.
Theo Thương Gia