Ngày 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa lại hoàn toàn với hoạt động du lịch, đánh dấu giai đoạn hồi sinh của du lịch Việt Nam sau hơn 2 năm “ngủ đông”.
Theo đó, Chính phủ đã đồng ý mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022, mở ra “cơ hội vàng” cho phục hồi phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Ngành du lịch Việt Nam đang rất mong chờ và tự tin đón khách du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam không chỉ là thân thiện, mến khách mà còn đảm bảo an toàn cho du khách và cộng đồng người dân.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 15/3 là thời điểm thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế. Bởi lẽ, đến đến thời điểm này Việt Nam gần như hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi 3 vaccine phòng chống COVID-19, đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Nếu triển khai mở cửa du lịch chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đã sớm có kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế.
Đặc biệt, tháng 5/2022 là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31), việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN, địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tương đối cao.
Theo nghiên cứu từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch và hàng không Việt Nam bắt đầu tăng từ đầu tháng 12/2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022 (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1/1/2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021). Đặc biệt, từ đầu tháng 1/2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ 2021.
Điều này cũng góp phần tạo động lực lớn để cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi đến ngày 15/3 để hiện thực hóa mục tiêu đề ra của ngành du lịch trong năm 2022 là đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh 5 quan điểm phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Đó là phục hồi và phát triển du lịch phải bảo đảm môi trường an toàn, xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững; phải đổi mới so với thời kỳ trước đại dịch, khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, sáng tạo sản phẩm mới thích ứng với xu thế mới, năng động trong tổ chức, quản lý và vận hành để làm chủ tình hình. Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá cho giai đoạn phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới. Năng lực, chất lượng của hệ thống doanh nghiệp du lịch là trụ cột quan trọng để phục hồi, tiến tới phát triển; công nghệ là xu thế tất yếu trong bối cảnh mới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất du lịch là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó là hỗ trợ các điểm đến nâng cao năng lực cạnh tranh; cải thiện sức hấp dẫn các điểm đến sau 2 năm bị tác động bởi đại dịch COVID-19 phải được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam. Ngành du lịch sẽ tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam – Sống trọn vẹn tại Việt Nam” đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa.
Về thị trường, ngành xác định nội địa vẫn là thị trường chính của du lịch Việt Nam năm 2022, trong đó khách đi theo nhóm nhỏ, sử dụng phương tiện cá nhân sẽ tăng cao hơn. Với thị trường quốc tế, trọng điểm năm 2022 là khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Australia, ưu tiên những thị trường có chính sách công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với Việt Nam, ngoài ra Ấn Độ cũng là thị trường tiềm năng.
PV
Link nguồn: https://ngaynay.vn/viet-nam-chinh-thuc-mo-cua-du-lich-sau-2-nam-ngu-dong-post118786.html