Chị Layla Ibrahim, một người mẹ 44 tuổi ở Liban, cho biết chị đã phải giảm bớt món thịt trong khẩu phần ăn hằng ngày của gia đình vì khủng hoảng kinh tế ở nước này.
Chị Ibrahim cho biết: “Giá thịt đã tăng khủng khiếp. Tôi đã trở thành người ăn chay bất đắc dĩ”.
Liban đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng thấy. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá mức độ khủng hoảng tương đương một cuộc chiến tranh. Đồng nội tệ đã mất giá hơn 90% trên thị trường đen, hơn 80% dân số rơi vào nghèo đói và giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt, đặc biệt giá thịt đỏ tăng gấp 5 lần. Kết quả là khẩu phần ăn hằng ngày của người dân đã thay đổi và giờ đây rau củ là món phổ biến trên bàn ăn của nhiều hộ gia đình.
Bữa ăn của Ibrahim và gia đình của chị giờ đây mỗi tuần chỉ một bữa có món thịt và lượng thịt rất ít. Gia đình này cũng không còn các buổi nướng thịt vào Chủ nhật hằng tuần.
Người đứng đầu Nghiệp đoàn chủ siêu thị, ông Nabil Fahed cho biết khách hàng giờ đây chọn thịt gia cầm hoặc ngũ cốc như một sự thay thế rẻ hơn. Giá thịt gà rẻ bằng 1/3 giá thịt bò, khoảng 120.000 bảng (5 USD)/kg. Ông Fahed cho biết doanh số bán thịt đỏ giảm mạnh kể từ khi chính phủ bỏ các trợ cấp cho một số mặt hàng nhập khẩu từ tháng 3/2021, giảm khoảng 70% trong các siêu thị lớn và nhiều hơn thế ở các khu chợ dân sinh cho người có thu nhập thấp.
Chính phủ Liban đang rất chật vật để có đủ tiền nhập khẩu nhiên liệu cho các nhà máy điện. Hầu như khắp đất nước ở trong cảnh phải cắt điện tới 22 giờ/ngày. Nhà nhập khẩu thịt Imad Harouk cho biết để bảo quản thịt, các thương nhân và nhà phân phối phải trả rất nhiều tiền cho tủ lạnh hoạt động. Điều này làm tăng giá bán sản phẩm. Bên cạnh đó, chi phí cho vận tải tăng cao vì nhà nước bỏ trợ cấp nhiên liệu từ năm 2021 cũng góp phần đẩy giá thịt lên cao.
Ông Tony al-Rami, người đứng đầu hiệp hội các chủ nhà hàng, cho biết lạm phát đã thay đổi thói quen ăn uống của người dân chuyển sang đồ ăn nhanh giá rẻ hơn. Xu hướng này ảnh hưởng lớn đến chuỗi nhà hàng đồ nướng Kababji nổi tiếng với món thịt xiên. Bà Hala Jebai, người quản lý bộ phận chăm sóc khách hàng của Kababji cho biết: “Khủng hoảng kinh tế cộng với đại dịch COVID-19 đã làm giảm đáng kể doanh thu của công ty”.
PV
Link nguồn: https://ngaynay.vn/khung-hoang-kinh-te-lam-thay-doi-bua-an-hang-ngay-cua-nguoi-dan-liban-post119146.html