Một trong những vướng mắc khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (CPH DNNN) là vấn đề liên quan đến đất đai. Trong bối cảnh tiến trình cơ cấu lại khối DN này không thể chậm trễ được nữa, cần có hướng gỡ “nút thắt” này.
Theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025”, thời gian tới việc cổ phần hóa DNNN và thoái vốn Nhà nước tại DN cần tạo được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không làm mất thương hiệu, bản sắc DN; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu…
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… và các văn bản pháp luật khác có liên quan để khắc phục vướng mắc phát sinh trong cơ cấu lại DNNN, đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại DN để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn.
Tiến độ CPH chưa đạt kế hoạch và nguyên nhân
Liên quan đến vấn đề CPH DNNN, mặc dù giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 30 nghị định, 3 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 quyết định; các bộ ban hành 19 thông tư, tập trung vào cơ chế, chính sách về CPH, thoái vốn tại DNNN cho phù hợp với hệ thống luật mới ban hành… Tuy nhiên, kết quả CPH không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tính đến ngày 31/12/2020, lũy kế giai đoạn 2016-2020 cả nước đã có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 233.792 tỷ đồng.
Trong số các DN này, chỉ có 39/128 DN thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch CPH giai đoạn 2017-2020).
Về nguồn lực, các DNNN hiện chiếm khoảng 0,08% số lượng DN; 7% tổng tài sản; 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN đang hoạt động trong cả nước; khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn của các DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.
Trong các nguyên nhân chưa đạt kế hoạch CPH nêu trên có thực tế là các DN trong diện CPH hầu hết là các DN lớn, tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai. Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách được ban hành, sửa đổi, hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn, nhất là trong lĩnh vực đất đai, khiến DN CPH phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp. Sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm và chưa tốt. Một số quy định còn chưa thật rõ và linh hoạt cũng khiến các địa phương “ngại” phê duyệt phương án sử dụng đất.
Đề xuất giải pháp xử lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
Theo Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/ 6/2018 của Quốc hội khóa XIV, các cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát diện tích đất của các DNNN; hoàn thành việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thực hiện việc xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN CPH. Tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của DN, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của DN sau CPH, bảo đảm tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án CPH của DN. Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt thì tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật.
Như vậy, quán triệt và bám sát nguyên tắc này thì đất có nguồn gốc CPH sẽ được xử lý theo 2 hướng. Thứ nhất, tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất và triển khai phương án CPH theo quy trình đã định. Thứ hai, không tính giá đất vào giá trị DN khi CPH mà trả đất về cho Nhà nước để sử dụng cơ chế thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành CPH.
Bên cạnh việc tiếp tục hướng dẫn cách thức xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Ðất đai năm 2013, nếu thực hiện tốt việc tách quá trình xử lý liên quan đến đất đai ra khỏi quá trình CPH DN sẽ tạo hướng khả thi và hiệu quả cao trong giải bàn toán khó nhất, vướng nhất hiện nay.
Đó là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất và lợi thế kinh doanh của các DNNN cần CPH đang nắm giữ phần đất ở vị trí đẹp trong khu đô thị và cả ở những khu vực hẻo lánh khó xác định giá thị trường (do ở Việt Nam chưa có thị trường chuẩn để tham khảo, giá đất ảnh hưởng nhiều yếu tố như diện tích, cơ sở hạ tầng, hướng mặt tiền…).
Tránh định giá giá trị DNNN không sát thực tế (quá cao hoặc quá thấp) khi xây dựng phương án CPH.
Giảm tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám quyết định khi có vướng mắc liên quan đến việc xử lý đất đai…
Những giải pháp này nếu làm tốt sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ và giảm rủi ro trong CPH DNNN. Qua đó, hài hòa được lợi ích, ngăn chặn thất thoát tài sản công và tối ưu hóa các nguồn lực về đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử… của DN, đồng thời, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của DNNN theo nguyên tắc thị trường…
TS Nguyễn Minh Phong
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/tim-huong-go-nut-that-ve-dat-dai-trong-doanh-nghiep-nha-nuoc-102220401121933412.htm