Tăng trưởng được điều chỉnh giảm, lạm phát tăng nhanh, nợ tích lũy và lãi suất tăng trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đang báo trước một nguy cơ hỗn loạn có thể bùng nổ.
Dự báo về triển vọng kinh tế các quốc gia đang phát triển trong thời gian tới, nhật báo Les Echos (Pháp) cho biết, các tổ chức quốc tế đang rất lo ngại về nguy cơ xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ công tại các quốc gia nghèo nhất trên thế giới.
Tăng trưởng được điều chỉnh giảm, lạm phát tăng nhanh, nợ tích lũy và lãi suất tăng trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đang báo trước một nguy cơ hỗn loạn có thể bùng nổ.
Hai nhà kinh tế học của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã viết trong một bài đăng trên blog vào tuần trước: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ nguy hiểm”. Nguyên nhân nỗi sợ hãi của họ là nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ nhấn chìm các quốc gia yếu thế nhất trên hành tinh.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass, nhân dịp khởi động các cuộc họp mùa Xuân, đã thông báo về việc chuẩn bị một gói viện trợ 170 tỷ USD trong vòng 15 tháng tới để giúp các nước đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm khủng hoảng lương thực và khủng hoảng nhân đạo liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine.
“Đối với các nước nghèo, cuộc xung đột này là cú sốc thứ hai liên quan đến nguồn cung sau đại dịch Covid-19. Những quốc gia này đều không phải là nước sản xuất nguyên liệu thô nên sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ căng thẳng địa chính trị”, François Faure, nhà kinh tế học tại ngân hàng BNP Paribas đã nhận định như vậy. Không chỉ do xung đột, Sri Lanka đã gần như vỡ nợ vì những lý do khác và các quốc gia khác có thể đang nối bước.
* Lạm phát đang tăng nhanh ở mọi nơi
Đầu tiên, mức tăng giá thực phẩm đã lên tới 50% kể từ đầu năm 2021, trong khi thực phẩm chiếm tới 60% ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình ở những nước có thu nhập thấp.
Các quốc gia này sẽ phải đối mặt với những nhu cầu nhân đạo khẩn cấp, trong khi nguồn tài chính của họ lại cực kỳ hạn chế. Tại Pakistan, Nigeria và Ghana, gánh nặng trả lãi vay hiện đang chiếm hơn một nửa tổng thu thuế, theo cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings.
Một con số khác cho thấy áp lực đến từ phía các nhà đầu tư. Lãi suất mà các nước mới nổi, những nước nhập khẩu ròng nông sản, phải trả hiện ở mức trung bình là 6,8% (theo Liên hợp quốc), tức là cao hơn 200 điểm cơ bản so với các nước xuất khẩu nông sản.
Và xu hướng tăng lãi suất của Mỹ, vốn đã bắt đầu, chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới. Ngay cả khi đã được thị trường dự đoán trước, việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ làm tăng chi phí tài chính cho các nước đang phát triển.
Đặc biệt theo nhận xét của IMF, “trong thời kỳ đại dịch, thâm hụt và nợ tích lũy tăng nhanh hơn nhiều so với những năm đầu tiên của các cuộc suy thoái khác, bao gồm cả những cuộc suy thoái quan trọng nhất như Đại suy thoái và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quy mô này chỉ có thể so sánh với hai cuộc chiến tranh thế giới của thế kỷ XX”. Nợ tích lũy trên thế giới là đáng kể.
Theo S&P Global Ratings, nhu cầu tài chính của các quốc gia trên thế giới vẫn sẽ cao hơn 30% so với năm 2019, trước thời kỳ Covid-19. Các nước như Kenya và Ai Cập, hiện đang ngập trong nợ ngắn hạn, sẽ buộc phải tái cấp vốn cho gần 1/3 số nợ của họ trong năm nay.
* Một loạt trường hợp đặc biệt
Cũng giống như cuộc khủng hoảng Covid-19 đã gây ra trước đây, xung đột ở Ukraine làm bật lên sự phụ thuộc kinh tế giữa các quốc gia.
Ngoài ra, cuộc xung đột này cũng có thể gây ra những hậu quả kinh tế lớn đối với các quốc gia có nền tài chính công vốn đã yếu và dư địa tài khóa hạn chế, không có khả năng điều động vốn.
“Mặc dù vậy, cũng không thể đánh đồng tất cả vì mỗi quốc gia lại có một hoàn cảnh riêng. Ngoài ra còn có sự khác biệt rõ ràng giữa các quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu dầu hay khí đốt”, Anne-Laure Kiechel, Chủ tịch Global Sovereign Advisory, tổ chức chuyên tư vấn cho các quốc gia về quản lý nợ công, khẳng định.
Đồng quan điểm này, theo chuyên gia François Faurecác, quốc gia mới nổi tiên tiến nhất sẽ có thể vượt qua được năm nay và có thể tránh nguy cơ vỡ nợ chủ quyền.
Chuyên gia này cho rằng sẽ không có hiệu ứng “quả cầu tuyết” nào đối với nợ công và tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ giảm xuống. Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ.
Chuyên gia François Faure cũng dự báo Tunisia hiện đang có nguy cơ vỡ nợ công do không có sự thống nhất với IMF. Ghana cũng đang gặp khó khăn. Ai Cập cũng đang trong tình trạng dễ bị tổn thương, do chi phí tài chính cao và gánh nặng nợ nần đang ngày càng trầm trọng.
Tuy nhiên, nước này có thể sẽ tiếp tục được các nước vùng Vịnh hỗ trợ. Dù vậy, không phải nước nào cũng gặp được “may mắn” như Ai Cập./.
Thu Hà (P/V TTXVN Tại Paris)
Link nguồn: https://bnews.vn/ap-luc-tai-chinh-dang-gia-tang-voi-cac-nuoc-ngheo/242611.html