Việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong điều trị vô sinh không những giúp tăng khả năng thành công cho các cặp vợ chồng hiếm muộn mà còn giúp những em bé được sinh ra khỏe mạnh toàn diện, đem lại niềm hạnh phúc trọn vẹn cho các gia đình.
Ngày 25/6, tại bệnh viện Hỗ trợ Sinh sản và Nam học Đức Phúc (Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học “Time – Lapse 2023: Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong điều trị vô sinh – Cha mẹ đối thoại, lắng nghe Phôi”. Buổi tọa đàm với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực di truyền và hỗ trợ sinh sản cùng hàng trăm khách mời đã tập trung thảo luận, chia sẻ xoay quanh các vấn đề mà các gia đình hiếm muộn trên hành trình tìm con đặc biệt quan tâm, đặc biệt là việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất trong việc điều trị.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Đức Phấn – Chủ tịch Hội Di Truyền Y Học Việt Nam cho biết, liên quan đến phần di truyền của phôi trong quá trình phát triển, đối với phụ nữ dưới 35 tuổi thì tỷ lệ phát hiện bất thường không cao. Tuy nhiên, ngoài 35 tuổi, tuổi càng lớn thì tỷ lệ bất thường di truyền ở phôi sẽ càng cao, có thể lên đến 80%. Việc sử dụng các công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI) trên cơ sở tổng hợp nhiều chỉ số, tiêu chí khác nhau sẽ giúp phát hiện kịp thời các bất thường, đồng thời giúp đánh giá, chọn lọc ra những phôi khỏe mạnh, hỗ trợ quá trình thực hiện IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) thành công, giảm thiểu tối đa chi phí cho các gia đình.
PGS.TS Trần Đức Phấn cũng đánh giá cao công nghệ nuôi cấy phôi hiện đại Time – Lapse trong quá trình hỗ trợ sinh sản sẽ giúp chọn lọc ra những phôi tối ưu nhất. Theo PGS, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học hiện đại sẽ giúp rút ngắn lại cuộc hành trình đi “tìm con” cho các cặp vợ chồng, giúp niềm hạnh phúc trở nên trọn vẹn hơn.
Time – Lapse 2023 là công nghệ sử dụng hệ thống tủ nuôi cấy phôi riêng biệt tích hợp camera ghi hình liên tục trong suốt thời gian nuôi phôi trong phòng Lab, giúp quan sát, đánh giá và tiên lượng chất lượng phôi, từ đó dễ dàng hơn trong việc chọn lựa phôi có khả năng làm tổ cao. Đặc biệt, Time-Lapse còn giúp phát hiện sớm sự phân chia bất thường và đánh giá được toàn diện quá trình phát triển của em “bé phôi” ngay từ những giây phút đầu tiên của sự sống. Việc lựa chọn phôi có tiềm năng làm tổ cao nhất sẽ trở nên chính xác và dễ dàng hơn nhiều mà không ảnh hưởng đến chất lượng phôi như các phương pháp thông thường. Chuyển phôi có tiềm năng làm tổ cao tăng cơ hội có thai cho người mẹ và rút ngắn hành trình chào đón bé yêu của cặp vợ chồng hiếm muộn.
Là một trong những cơ sở điều trị vô sinh, hiếm muộn hàng đầu tại Việt Nam với tỷ lệ IVF thành công lên tới 70-80%, bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Đức Phúc cũng đã sớm cập nhật và ứng dụng công nghệ mới này nhằm tối ưu hóa khả năng thành công trong điều trị. Với hệ thống tủ nuôi cấy Time Lapse 2023 tại Bệnh viện, mỗi một bệnh nhân sẽ có một buồng nuôi cấy phôi riêng lẻ để đánh giá tốt nhất quá trình phát triển của các “em bé phôi”. Không những vậy, thấu hiểu tâm lý của các gia đình, toàn bộ quá trình phát triển của các “em bé phôi” sẽ được lưu giữ dưới dạng video và tặng lại cho bố mẹ như một món quà kỉ niệm khi kết thúc chu kỳ IVF tại bệnh viện.
Cùng với sự đồng hành của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực di truyền học và các bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, nhiều vấn đề thắc mắc của các cặp vợ chồng hiếm muộn trong hành trình đi “tìm con” cũng được giải đáp, chia sẻ.
Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều phần quà trị giá và ý nghĩa cũng đã được trao tặng cho các cặp vợ chồng, khách mời tham dự bao gồm 5 suất thụ tinh trong ống nghiệm IVF miễn phí thực hiện tại Bệnh viện Đức Phúc và Bệnh viện Phụ sản An Thịnh và nhiều chương trình hỗ trợ ưu đãi khác.
Nguyên Đỗ
Link nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/ung-dung-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-ai-trong-dieu-tri-vo-sinh-cha-me-doi-thoai-lang-nghe-phoi-p40426.html