UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án với tổng diện tích khoảng 5,87ha, số tiền trúng đấu giá khoảng 1.955,9 tỷ đồng.
Ngày 5/7, tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết công tác đấu giá quyền sử dụng đất luôn được thành phố quan tâm thực hiện, góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách qua các năm, tạo nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Căn cứ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 và nhu cầu sử dụng đất của các đơn vị, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện hướng dẫn xác định ranh giới thu hồi đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 72 dự án đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích khoảng 65ha; trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành 33 Quyết định giao đất với tổng diện tích khoảng 24,06ha cho ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã để bổ sung quỹ đất đủ điều kiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022.
Đến nay, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án với tổng diện tích khoảng 5,87ha (là diện tích đất ở, không bao gồm đất xây dựng hạ tầng), số tiền trúng đấu giá khoảng 1.955,95 tỷ đồng; đã thu được khoảng 3.106 tỷ đồng (đạt khoảng 25% chi tiêu thu ngân sách 2022 từ đấu giá quyền sử dụng đất), trong đó: số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng, thu năm 2022 là 1.115 tỷ đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 11 hồ sơ xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó: 3 hồ sơ đã trình Hội đồng thẩm định; 1 hồ sơ đã trình Hội đồng thẩm định và đang thực hiện rà soát căn cứ pháp lý theo chỉ đạo của ủy ban nhân dân thành phố; 2 hồ sơ đơn vị tư vấn đã phát hành chứng thư.
Sở Tài nguyên và Môi trường đang yêu cầu rà soát nội dung theo quy định và 5 hồ sơ đã ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn xác định giá (Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản đôn đốc đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ban hành chứng thư theo quy định); nhìn chung tiến độ thực hiện chậm so với cùng kỳ năm 2021.
Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, địa bàn thành phố có 143 dự án/khu đất với tổng diện tích khoảng 87,6ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (hoặc là đất không phải giải phóng mặt bằng), đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định giao đất, đang thực hiện thiết lập hồ sơ, chuẩn bị điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra nhận định, tiến độ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 thực hiện chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân do việc tổ chức đấu giá đất gặp khó khăn, vướng mắc.
Công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa nhận được đồng thuận cao của người bị thu hồi đất; đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải thực hiện bổ sung các thủ tục hành chính như: chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án trên 2 ha phải dành đất xây dựng nhà ở xã hội. Đặc biệt là việc xác định giá khởi điểm còn chậm, gặp khó khăn về phương pháp xác định giá đất cụ thể.
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ thời gian qua, có vụ việc đấu giá đất có tồn tại nên các đơn vị tham gia thực hiện có tâm lý e ngại dẫn đến việc chậm thực hiện các thủ tục. Các đơn vị tư vấn lập chứng thư xác định giá khởi điểm chậm; chậm thẩm định phê duyệt giá khởi điểm.
Các quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá thận trọng cầu toàn nên chậm tiến độ thực hiện. Các Công ty tư vấn thẩm định giá đều e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá đất (khởi điểm) vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật.
Để tháo gỡ các vướng mắc, ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thủ tục hành chính về đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Trong đó, tập trung hoàn thành nhanh thủ tục xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất… Đồng thời, ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị với Trung ương một số chính sách để đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có nội dung cho phép Hà Nội được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất mà không phải thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể.
Tại kỳ họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn báo cáo với các đại biểu hội đồng nhân dân thành phố về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố. Đến ngày 30/6/2022, toàn thành phố giải ngân được 10.777 tỷ đồng, đạt 21,1% kế hoạch; cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, một số dự án phát sinh một số hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án. Một số trường hợp vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân của dự án. Vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ; phê duyệt, điều chỉnh giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định phê duyệt dự án lĩnh vực giao thông…
Ông Đỗ Anh Tuấn khẳng định thành phố xác định việc thực hiện và thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong thời gian tới, cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định từ đầu năm, 6 tháng cuối năm 2022, các đơn vị tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi chủ đầu tư phải nhận thức về yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các quy định, các chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng kế hoạch vốn đầu tư công. Thực hiện công khai kết quả giải ngân hàng tháng, hàng quý trên Cổng Thông tin điện tử thành phố và tại cuộc họp giao ban hàng tháng của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Đồng thời, mỗi cấp, mỗi ngành định kỳ thực hiện gửi báo cáo kết quả giải ngân đến Thường trực Thành ủy, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo thành phố theo các địa bàn, đơn vị phụ trách để theo dõi, giám sát; tiếp tục chỉ đạo đưa kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, năm 2021 kéo dài thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2022 đối với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.
Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Nội vụ chủ trì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và tham mưu ủy ban nhân dân thành phố xử lý nghiêm các đơn vị giải ngân chậm do nguyên nhân chủ quan, chưa nỗ lực cố gắng. Triển khai hoạt động có hiệu quả 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đâu tư công năm 2022 của thành phố do 6 Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố là Tổ trưởng.
Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh việc giải ngân của các dự án, cả cấp thành phố và cấp huyện và triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp thành phố trên địa bàn do các Ban Quản lý dự án của thành phố làm chủ đầu tư.
Các chủ đầu tư phải nâng cao trách nhiệm, quyết tâm, nhất là chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, chủ động dự báo các khó khăn, vướng mắc khi lập, thẩm định và phê duyệt dự án; chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành để đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục dự án; lập kế hoạch giải ngân cụ thể và cam kết với thành phố về kết quả giải ngân theo từng dự án, từng tháng, từng quý và chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về kết quả giải ngân các dự án.
Nguyễn Thắng-Trà My
Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-day-manh-dau-gia-quyen-su-dung-dat-va-giai-ngan-von-dau-tu-cong/803143.vnp