Tại hội thảo xây dựng Dự án Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi do Bộ Y tế vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Luật BHYT sửa đổi được xây dựng trong giai đoạn các văn bản Luật liên quan khác mới được ban hành hoặc đang được sửa đổi. Vì vậy, việc xây dựng cần được cân nhắc để bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ với pháp luật liên quan.
Cụ thể, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, BHYT là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và nhà nước ta, là cơ chế tài chính công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Chính sách BHYT của nước ta phát triển qua nhiều giai đoạn, trong đó sự thay đổi chính sách BHYT quan trọng nhất là việc Quốc hội ban hành Luật BHYT năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014. Luật BHYT là căn cứ pháp lý cao nhất trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương và nỗ lực của Bộ Y tế, tổ chức Bảo hiểm xã hội, Luật BHYT và các văn bản quy phạm hướng dẫn Luật BHYT đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng. Số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng. Tính đến tháng 12/ 2021, toàn quốc có trên 88,8 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 91,01% dân số, vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13; phấn đấu đến hết năm 2022 đạt chỉ tiêu bao phủ 92,6% dân số có thẻ BHYT.
Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT liên tục được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh; phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh; quản lý và sử dụng quỹ BHYT và các vấn đề liên quan đến tổ chức và quản lý nhà nước về BHYT. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản Luật và những yếu tố mới phát sinh chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết; các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin, để chuẩn bị cho sửa đổi Luật BHYT, ngay từ cuối năm 2018, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi, thông qua đánh giá, tổng kết thực tiễn, tổng hợp và luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới về BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân xét trên cả 3 phương diện về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phạm vi dịch vụ được hưởng và mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.
Lần sửa đổi Luật này dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn đó là: Mở rộng đối tượng tham gia; Mở rộng phạm vị quyền lợi có chọn lọc; Đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ; Nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu rõ, Luật BHYT được xây dựng trong giai đoạn các văn bản Luật liên quan khác mới được ban hành hoặc đang được sửa đổi. Vì vậy, việc xây dựng cần được cân nhắc để bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan…
PV
Link nguồn: https://lsvn.vn/luat-bhyt-du-kien-dieu-chinh-5-nhom-chinh-sach-lon1658113911.html