Home Tiêu điểm Mở rộng “cánh cửa” thị trường cho hàng hóa nhờ FTA

Mở rộng “cánh cửa” thị trường cho hàng hóa nhờ FTA

0

Việt Nam là một trong số ít các nước chỉ sau 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đàm phán, ký kết được 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp mở rộng “cánh cửa” thị trường cho hàng hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Doanh nghiệp cần khai thác những lợi ích đem lại từ FTA thế hệ mới. Ảnh minh họa

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Theo UBND TP. Hà Nội, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6/2022 đạt khoảng 1,517 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,3 tỷ USD, tăng 17,1% so cùng kỳ năm 2021, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,7 tỷ USD, tăng 16,6%.

Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 6 tháng đầu năm: Hàng dệt may đạt 1,220 tỷ USD, tăng 29,6%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 1,072 tỷ USD, tăng 20,2%;…

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2022 ước tính đạt 3,675 tỷ USD, giảm 8,8% so với tháng trước và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 lên 20,5 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2021. Một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn trong 6 tháng đầu năm: Máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 2,996 tỷ USD, giảm 5,6%; xăng dầu đạt 2,934 tỷ USD, gấp 2,8 lần cùng kỳ; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện 1,535 tỷ USD, tăng 28,7%;…

Việt Nam là một trong số ít các nước chỉ sau 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đàm phán, ký kết được 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp mở rộng “cánh cửa” thị trường cho hàng hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Là doanh nghiệp hoạt động đa ngành lấy xuất nhập khẩu làm mũi nhọn, nhiều năm qua, Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần (Hapro) (thuộc Tập đoàn BRG) đã đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động xuất khẩu theo hướng tinh giản, an toàn và hiệu quả, nỗ lực duy trì kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 10-15% mỗi năm.

Đồng thời, tạo sự bứt phá mạnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác các lợi ích đem lại từ những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… cùng việc kết hợp với các phương thức giao thương trực tuyến nhằm tìm kiếm khách hàng…

Cơ hội lớn để hợp tác, thu hút đầu tư

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội vẫn kèm theo những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Cụ thể như đối với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thách thức lớn nhất đó là việc phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam trong thời gian tới. Hội nhập khiến giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sẽ rẻ hơn, kích thích nhập khẩu thay cho việc sản xuất trong nước.

Còn đối với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) đi vào thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn để hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Anh, cũng như xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Anh.

Trong khi đó, thị trường Anh có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần có được thông tin rõ ràng, chi tiết; chủ động tìm hiểu, nắm bắt được các nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục xuất khẩu cần có; đồng thời thay đổi mô hình sản xuất đáp ứng thị trường xuất khẩu khó tính này.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tận dụng được cơ hội từ các FTA, mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về thực hiện Hiệp định UKVFTA trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Thành phố sẽ tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng có sự tham gia của doanh nghiệp Vương quốc Anh để tận dụng lợi ích của hiệp định; khuyến khích các doanh nghiệp Vương quốc Anh kết nối, đầu tư với doanh nghiệp Hà Nội góp phần hình thành và phát triển chuỗi cung ứng…

Thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.

Song song với đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ khoa học-công nghệ, sáng tạo, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhằm tạo ra công nghệ sản xuất, sản phẩm mới, hỗ trợ đưa sản phẩm mới ra thị trường.

Đặc biệt, sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho doanh nghiệp; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại các nước tham gia Hiệp định RCEP…

Trong năm 2022, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động đối ngoại kinh tế để phục hồi và phát triển bền vững; tiếp tục coi hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm; kịp thời cập nhật thông tin về thị trường các nước, kết nối nhu cầu hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp, đón bắt các làn sóng đầu tư, thương mại trên thế giới.

Thùy Linh

Link nguồn: https://thanglong.chinhphu.vn/mo-rong-canh-cua-thi-truong-cho-hang-hoa-nho-fta-10322071516530741.htm