Dù các ngân hàng vẫn chưa công bố hết báo cáo tài chính quý II/2022 nhưng bức tranh lợi nhuận trong chặng đường nửa đầu năm 2022 vẫn đang đầy màu sắc tươi sáng.
Nhiều ngân hàng thắng đậm
Là một trong những ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 sớm nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) ghi nhận 5.029 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài tăng trưởng ở mảng cho vay, ngân hàng này còn ghi nhận tăng trưởng cao ở các khoản thu ngoài lãi, mang về 1.736 tỷ đồng, cao hơn 226% so với cùng kỳ.
Kết quả kể trên giúp SeABank thu về khoản lợi nhuận trước thuế 2.806 tỷ đồng sau nửa năm, tăng tới 180% so với cùng kỳ.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Nguồn thu nhập ngoài lãi đạt hơn 1.500 tỷ đồng, đóng góp hơn 18% vào tổng thu nhập hoạt động.
Tiếp đến, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng cho biết đã thu về 3.788 tỷ đồng lợi nhuận sau nửa đầu năm nay, tăng gần 26% so với cùng kỳ; trong đó lợi nhuận riêng quý 2 của ngân hàng đã tăng 34%, đạt gần 2.200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo báo cáo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với mức lợi nhuận đạt hơn 15.300 tỷ đồng, vượt hơn 50% kế hoạch cả năm và là mức lãi cao nhất trong ngành ngân hàng theo công bố đến thời điểm này.
Theo VPBank, hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong nửa đầu năm ghi nhận tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Dư nợ tín dụng ngân hàng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành. Thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31.600 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ lãi tăng ổn định, nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Không kém cạnh, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, với mức lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Techcombank trong 6 tháng đầu năm nay đạt 14.100 tỷ đồng tăng trưởng 22,3% so với cùng kỳ; tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 47,5%. Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm tăng 16,6% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Những nguồn doanh thu cốt lõi của ngân hàng vẫn đạt kết quả tích cực, với nhu cầu tín dụng và biên lãi thuần đều ở mức cao.
Đánh giá về bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, có thể thấy sau 2 năm cơ cấu nợ, giảm lãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và tăng tốc trích lập dự phòng rủi ro, các ngân hàng quốc doanh đã trở lại đường đua. Ngoài áp lực giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng và trích lập dự phòng rủi ro giảm, các ngân hàng quốc doanh đang hưởng lợi nhờ tín dụng phục hồi và có nhiều lợi thế vốn rẻ. Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank cho hay, lợi thế vốn rẻ sẽ giúp các ngân hàng TMCP quốc doanh duy trì được NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) năm nay, bất chấp mặt bằng lãi suất trên thị trường đang có dấu hiệu tăng.
Bức tranh nửa cuối năm liệu có tiếp tục khả quan?
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng, chuyên gia công ty chứng khoán SSI Research dự báo mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong sáu tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2021 tương đối thấp.
Theo SSI Research, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Nhìn chung, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt mức 15%-16%.
SSI Research cũng dự báo các nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm. Theo đó, ngoài việc không còn lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu chính phủ, doanh số thanh toán của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ bị sụt giảm do chương trình miễn phí chuyển khoản.
Mặt khác, nhóm phân tích cho rằng các chỉ số phản ánh chất lượng tín dụng có thể được giữ ổn định vào năm 2022 nhưng sẽ chịu áp lực lớn hơn vào năm 2023.
Dù vậy, các ngân hàng đều kỳ vọng có lợi nhuận tốt nhờ những thông tin tích cực. Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước, có 72,5%-80,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 3 và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với kỳ liền trước.
Trong quý 3 có 54,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tiếp tục “tăng nhẹ” so với quý 2. Ngoài ra, có 38,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng “không đổi” và 6,5% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.
Trong năm 2022, có 87,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm trước. Bên cạnh đó, vẫn có 8,5% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 (tăng so với tỷ lệ 5,8% tổ chức tín dụng dự kiến tại kỳ điều tra tháng 3/2022) và 3,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Hương Anh (tổng hợp)
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/loi-nhuan-cua-cac-ngan-hang-but-toc-manh-trong-6-thang-dau-nam-a561892.html