Giá dầu đang chứng tỏ được khả năng phục hồi bất chấp mối lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Từ đầu năm đến nay, giá “vàng đen” đã vượt trội hơn cả các chỉ số chứng khoán chính và đồng USD khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga khiến nguồn cung thắt chặt.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv Eikon, giá hai hợp đồng dầu giao dịch kỳ hạn đã tăng khoảng 30% trong năm nay, trong khi chỉ số chứng khoán toàn cầu ACWI giảm khoảng 15%.
Thống kê cho thấy chỉ số chứng khoán trên đã ghi nhận mức sụt giảm trong nửa đầu năm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu được thiết lập vào năm 1990 khi lạm phát tại Mỹ lên mức cao nhất trong 40 năm và các ngân hàng trung ương tăng lãi suất.
Chỉ số USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, tăng khoảng 10% từ đầu năm đến nay. Nhà phân tích Giovanni
Staunovo của ngân hàng UBS cho biết lượng dầu tồn kho thấp và công suất dự phòng ngày càng giảm là nguyên nhân dẫn đến đà tăng của giá dầu.
Phần lớn thời gian trong hai năm qua, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu, được gọi là OPEC+, đã thấp hơn mục tiêu sản lượng đã thống nhất do nhiều thành viên phải vật lộn với các vấn đề về năng lực sản xuất. Theo dữ liệu nội bộ của OPEC+, nguồn cung đã giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày trong tháng Sáu – tương đương khoảng 3% nguồn cung toàn cầu.
Ngân hàng MUFG cho rằng triển vọng cầu vượt cung đã củng cố niềm tin vào đà tăng của giá hàng hóa, trong khi thị trường tài chính lại đang trong xu hướng giảm.
Nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) Craig Erlam nói thêm rằng chứng khoán đã chịu tác động tiêu cực do nhiều diễn biến khác nhau, trong đó có vấn đề lạm phát.
Tuy nhiên, ngân hàng JP Morgan đã điều chỉnh hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu cho năm nay và năm tới, khi giá mặt hàng này có xu hướng giảm từ 30% đến 40% trong các cuộc suy thoái./.
Trà My (Theo Reuters)
Link nguồn: https://bnews.vn/vang-den-toa-sang-ke-tu-dau-nam-2022-den-nay/253296.html