Sau một năm dừng tăng vì Covid-19, học phí nhiều đại học tăng mạnh trong năm nay, có trường tăng kịch trần khiến người học gánh thêm áp lực.
Nhiều trường đại học tăng học phí
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản đề nghị giữ nguyên mức học phí như năm học 2021-2022 nhưng nhiều trường đại học vẫn công bố những con số tăng chóng mặt.
Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022 là 42 triệu đồng/năm, so với mức 35 triệu đồng/năm/sinh viên của năm học trước.
Trường Đại học Luật Tp.HCM là một trong những trường có mức học phí cao nhất năm học tới. Theo thông báo của trường, học phí Khóa 47 áp dụng từ năm học 2022-2023 đến 2025-2026 thấp nhất cho hệ đại trà là 151 triệu đồng, dành cho các ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh. Học phí hệ đại trà của những ngành còn lại ở mức 179 đến 204,7 triệu đồng/khóa. Hệ chất lượng cao ngành quản trị – luật có học phí một khóa là 358,2 triệu đồng. Học phí cao nhất thuộc hệ chất lượng cao ngành luật, giảng dạy bằng tiếng Anh với 765,9 triệu đồng/khóa.
Đại học Luật Hà Nội cũng dự kiến mức thu học phí khá cao so với năm học trước. Theo đó, năm học 2022-2023, đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH, học phí là 2 triệu đồng/tháng – tăng 2,04 lần so với mức 980.000 đồng của năm học 2021-2022. Học phí chương trình đào tạo chất lượng cao là 5 triệu đồng/tháng – tăng 1,65 lần so với mức 3.025.000 đồng của năm học 2021-2022.
Năm học tới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tính học phí theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021 (276.000 đồng cho hệ đại trà và 771.000 đồng hệ chất lượng cao).
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho biết năm học 2022-2023 sẽ chính thức điều chỉnh học phí. Cụ thể, mức học phí theo tín chỉ sẽ từ 350.000 đồng – 1 triệu đồng/tín chỉ.
Trong khi đó, Trường Đại học Y Dược Tp.HCM công bố mức học phí đối với sinh viên của 3 khóa tuyển sinh năm 2020, 2021 và 2022 từ 37 triệu đồng đến 77 triệu đồng/năm học, tùy từng ngành…
Năm học này, Đại học Cần Thơ sẽ tăng học phí tùy ngành đào tạo, học phí một năm sẽ từ 13,2 đến 19,5 triệu đồng. Chương trình chất lượng cao là 33 triệu đồng/năm. Mức tăng này nằm trong khung cho phép về trần học phí.
Cần chia sẻ với người học
Liên quan đến vấn đề nhiều trường đại học tăng học phí, ông Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường Đại học Luật Tp.HCM cho biết do trường tự chủ hoàn toàn, không còn được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước nên học phí được tính đúng, tính đủ theo mức trần nghị định 81.
“Đáng lẽ trường thực hiện tăng học phí khóa mới từ năm 2021 theo nghị định 81 nhưng Bộ GD&ĐT chỉ đạo giữ ổn định học phí nhằm chia sẻ khó khăn với người học nên trường vẫn giữ nguyên học phí như năm 2020. Mức tăng học phí năm nay được tính theo năm 2021 chứ không phải năm 2021 cộng thêm 10%”, ông Hiển nói.
Lý giải việc học phí nhiều ngành tăng, giảm so với học phí năm trước, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết học phí năm nay được xác định theo nghị định 81 nên có một số thay đổi dẫn đến học phí được điều chỉnh tăng so với năm học trước.
Trong khi đó, nhiều trường không áp mức trần học phí theo quy định mà tính toán, xác định học phí ở mức thấp hơn. Ông Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Tp.HCM) cho biết trường không áp dụng mức trần học phí mà tính toán nhiều mức học phí khác nhau.
Với những ngành có nhu cầu ít, trường xác định mức học phí thấp hơn, được Đại học Quốc gia hỗ trợ 35% học phí để người học có thể theo học được. Chẳng hạn những ngành có học phí 16 triệu đồng, được hỗ trợ 35% học phí nên học phí sinh viên thực đóng chỉ trên 13 triệu đồng/năm. Trường thu học phí kịch trần với những ngành có nhu cầu lớn.
Ông Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường đại học Mở Tp.HCM, một trong 23 trường tự chủ hoàn toàn cho hay học phí năm học tới của trường tăng từ 5-7% tùy theo ngành. “Mức tăng này tính toán theo mức trượt giá. Trường không tăng học phí nhiều vì thực tế các dịch vụ giáo dục cũng không thay đổi nhiều so với năm trước.
Sinh viên khóa mới và khóa cũ, cùng hưởng dịch vụ giáo dục như nhau nhưng người đóng 18 triệu đồng, người đóng 28 triệu đồng rõ ràng có sự bất bình đẳng. Hơn nữa, mức học phí tăng cũng được tính toán đảm bảo sức chịu đựng của người học và đó cũng là trách nhiệm chia sẻ với người học và xã hội”, ông Hà nói.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính – ĐHQG Tp.HCM, thừa nhận khi các trường ĐH công lập tự chủ tăng học phí có thể dẫn đến việc giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên khó khăn. Điều này sẽ làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học.
Theo ông Thụy, tăng học phí cũng khiến các ngành khoa học cơ bản có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của đất nước bị ảnh hưởng. Cùng một mức học phí, sinh viên sẽ ít lựa chọn các ngành khoa học cơ bản mà theo học các ngành mang tính “hot” hơn, bởi cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn. Xu hướng này có thể là do sự thay đổi nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân người học nhưng cũng có thể do mức học phí. Các xu hướng mới này có thể gián tiếp tạo ra “khủng hoảng thừa” và “khủng hoảng thiếu” về nhân lực của một số ngành khoa học cơ bản trong tương lai gần.
Trước đó, tại hội nghị tự chủ đại học vừa được tổ chức ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến việc bảo đảm công bằng cho mọi người trong tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao. Cho tự chủ, tăng học phí mà không có cơ chế về quỹ học bổng, hỗ trợ của ngân sách nhà nước và các trường thì sẽ mất công bằng. Thực tế, trong khi học phí tăng thì mức vay tín dụng cho sinh viên vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Lý giải về việc tăng học phí đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng cần nhìn nhận thực chất của vấn đề. Hiện nay, tổng số kinh phí đầu tư tính cho một sinh viên còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Muốn nâng cao chất lượng GD&ĐT, cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, một số trường đại học trong khu vực có mức chi phí cao gấp hàng chục lần so với chi phí tại các trường đại học công lập ở Việt Nam. Nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay, các trường đại học trong nước rất khó để cạnh tranh.
Tăng học phí đại học có tăng chất lượng đào tạo?
Nhiều trường đại học tăng học phí từ năm học tới đây. Đây là vấn đề được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm vì tăng học phí sẽ gây áp lực lên những sinh viên khó khăn.
GS.TS. Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Chỉ tăng 1,05 so với trước đây, mặc dù Nghị quyết của trường muốn tăng 1,2 lần nhưng khi cân nhắc mọi mặt thì tăng ở mức rất thấp. Nếu tăng cao có thể gây nên cú sốc cho người học”.
Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Người học phải đặt ra bài toán đầu tư cho tương lai, bên cạnh đó Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người học, đặc biệt thông qua cơ chế tín dụng. Chúng tôi rất mừng mức tín dụng đã được Bộ Tài chính đề xuất và Chính phủ đồng ý nâng mức tín dụng cho sinh viên”.
Hiện nay, các trường cũng đẩy mạnh liên kết với cựu sinh viên, các doanh nghiệp để thành lập các quỹ học bổng. Những quỹ này sẽ hỗ trợ hiệu quả học sinh khó khăn.
Mục đích của tự chủ là phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng, tăng học phí cao hơn mà không có cơ chế về quỹ học bổng, hay các chính sách hỗ trợ phù hợp để giảm bớt phần nào áp lực học phí. thì sẽ tạo nên sự mất cân bằng cho các em sinh viên trong tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao.
Trúc Chi (t/h theo Người Lao Động, Tuổi Trẻ, VTV)
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hoc-phi-dai-hoc-o-at-tang-chat-luong-co-song-hanh-a563436.html