Ngành logistics của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhờ sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử.
Điểm đến hấp dẫn
Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu Agility công bố năm 2022 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng trong top 50 quốc gia đứng đầu. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Malaysia, Thái Lan, vượt lên Philippines, Myanmar và Campuchia.
Dự kiến trong năm tới, số lượng doanh nghiệp logistics lẫn thương mại điện tử vẫn tăng trưởng với tốc độ ổn định, góp phần thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ kho bãi và vận chuyển Việt Nam bứt phá. Bên cạnh đó, theo đánh giá Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) – tốc độ phát triển của ngành ở thị trường nội địa những năm gần đây đạt khoảng 14- 16% với quy mô 40 – 42 tỷ USD/năm.
Trao đổi với Công Thương, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Tuy nhiên, điều này đi đôi với nhu cầu tăng cao về bất động sản công nghiệp chất lượng cao. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm địa điểm. Các khu công nghiệp và khu hậu cần kho bãi như nguồn cung bất động sản công nghiệp đang chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
“Thời gian qua đã chứng kiến làn sóng tăng thu hút đầu tư, công nghệ, hạ tầng trợ lực cho logistics tăng trưởng. Đầu năm 2022 doanh nghiệp Emergent Việt Nam Logistics Development (Singapore) công bố dự án có vốn đầu tư 35 triệu USD, chuyên cung cấp hệ thống kho lạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao”, ông Matthew Powell thông tin.
Ở lĩnh vực chuyển phát nhanh, sự góp mặt của tập đoàn BEST Inc. cũng mang lại “làn gió mới” cho thị trường nội địa. Nhờ sự hỗ trợ từ công nghệ, BEST Express chỉ mất 2 giây để xử lý xong một kiện hàng kích thước cồng kềnh, khối lượng trên 3 kg. Đến nay, doanh nghiệp chuyển phát này sở hữu tổng diện tích khai thác kho bãi trên toàn quốc đến hơn 100.000 m2, cho năng lực xử lý trên 1,8 triệu bưu kiện mỗi ngày.
Hay gần đây nhà phát triển kho logistics quốc tế Logos Property đã liên doanh cùng Manulife Investment Management trong dự án phát triển nhà xưởng hậu cần hiện đại xây theo yêu cầu (built- to – suit) với tổng diện tích hơn 116.000 m2 và trị giá trên 80 triệu USD. Sự xuất hiện của những đơn vị quốc tế này đã nâng cao chất lượng xây dựng và vận hành bất động sản công nghiệp hậu cần tại Việt Nam.
Tạo đòn bẩy cho ngành logistics
Theo ông Matthew, những nhà đầu tư vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam ngày càng chú trọng nhiều hơn vào những giải pháp giúp tối ưu hóa hiệu suất hoạt động cho doanh nghiệp. Họ tham khảo chuyên môn từ các khu vực phát triển như Mỹ, Anh, Singapore, Úc hay Nhật Bản để đưa ra những cải tiến trong thiết kế và vận hành, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp logistics tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận là yếu tố tiên quyết đối với ngành hậu cần. Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, quá trình vận chuyển cũng sẽ quyết định sự thành công của chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp sẽ tìm những địa điểm có hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện để đặt nhà máy, kho xưởng. Nhờ vậy, việc di chuyển hàng hóa đến các cảng, sân bay phục vụ cho hoạt động xuất khẩu hay cung cấp sản phẩm cho thị trường lớn trong nước sẽ thuận tiện hơn. Do đó, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ tạo đòn bẩy cho sự phát triển của ngành hậu cần Việt Nam.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nói rằng, tại Việt Nam hạ tầng về logistics nói chung trong đó có hạ tầng về vận tải, hạ tầng kho bãi đã có những bước thay đổi nhanh trong thời gian qua. Ở góc độ hạ tầng giao thông, trong 10 năm gần đây, hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ đã được mở rộng và nối dài. Việt Nam cũng đã có những cảng biển lớn như cảng Cái Mép- Thị Vải, cảng Cát Lái… là những cửa ngõ trung chuyển quốc tế. Đối với ngành bất động sản liên quan đến hậu cần, kho bãi điều quan trọng nằm ở nguồn cung. Nhiều đơn vị phát triển dự án đã và đang làm việc với những chuyên gia trên thế giới để áp dụng những phương pháp tăng hiệu quả đầu tư và vận hành cho cho doanh nghiệp.
Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây
Tại Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistics trên Hành lang kinh tế Đông Tây được tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết: Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) là một chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 8 vào năm 1998 để tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước EWEC. EWEC hình thành dựa trên tuyến đường bộ dài 1.450 km đi qua 4 quốc gia nằm trong trung tâm bán đảo Đông Dương gồm: Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Đến nay, sau gần 25 năm hình thành, các địa phương trên hành lang vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự; hạ tầng giao thông kết nối cũng như hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên hành lang chưa thật sự phát triển.
Việc quan tâm chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến EWEC là rất cần thiết để hành lang kinh tế Đông Tây thực sự là hành lang kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics. Nhận thức rõ điều này, TP Đà Nẵng cũng như 05 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng với chính quyền các tỉnh của nước bạn Lào, Thái Lan, Myanmar trong thời gian qua đã có những chương trình, hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác, phát triển dịch vụ logistics như xây dựng và triển khai các quy hoạch trung tâm logistics, kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ logistics, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dịch vụ logistics v.v.
Tuy nhiên, theo ông Trần Phước Sơn, bên cạnh những kết quả bước đầu, nhiều tồn tại, hạn chế khiến dịch vụ logistics trên địa bàn Tp.Đà Nẵng nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố trong khu vực nói chung hiện chưa có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, đặc biệt trên hành lang kinh tế Đông Tây; quy mô thị trường còn nhỏ, hàng hóa chưa nhiều, nhu cầu dịch vụ logistics tăng trưởng chậm, thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn dẫn dắt thị trường; chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo, thiếu sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp v.v.
“Vì thế, Diễn đàn lần này nhằm mục đích gợi mở, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước, quốc tế và các đơn vị liên quan thẳng thắn chia sẻ, trao đổi, đề xuất sáng kiến đóng góp vào việc hoàn thiện các điều kiện và chính sách phát triển dịch vụ logistics của các địa phương gắn với hành lang Đông Tây của các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng Trần Phước Sơn thông tin.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho biết thêm, tại Diễn đàn này, bên cạnh việc cùng nhau trao đổi về tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ trên hành lang, các khó khăn, bất cập cần khắc phục, một trong những mục tiêu của Diễn đàn là đưa ra nhận thức chung, đề xuất cơ chế hợp tác giữa các tỉnh, thành phố không những của Việt Nam mà còn của Lào, Thái Lan, Myanmar… nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong hoạt động logistics nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Mục tiêu đó cần được xây dựng trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, đồng thuận cao hơn, hiệu quả hơn nhằm đưa dịch vụ logistics của Đà Nẵng và các địa phương trên tuyến phát triển nhanh, bền vững.
Theo chương trình làm việc, Diễn đàn được tổ chức thành 02 phiên là phiên tham luận và phiên trao đổi, thảo luận. Trong đó, phiên trao đổi, thảo luận tập trung vào một số nội dung về đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ logistics, kinh nghiệm cũng như các đề xuất nhằm phát huy vai trò của các địa phương trên tuyến EWEC và phát triển tuyến EWEC trong thời gian tới.
Theo Ban tổ chức, các tham luận, ý kiến trao đổi tại Diễn đàn lần này sẽ là căn cứ quan trọng để chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trên Hành lang kinh tế Đông Tây đưa ra các chính sách, giải pháp, định hướng phát triển phù hợp nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới.
Hương Anh
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/logistics-viet-don-lan-song-dau-tu-manh-me-a564680.html