Giá dịch vụ y tế thu theo BHXH, nguồn thu giảm trong khi nguồn chi lớn… là những nguyên nhân khiến nhiều bệnh viện không còn mặn mà với cơ chế tự chủ tài chính.
Tự chủ bệnh viện như… thuyền đang “mắc cạn”
Đề án về thí điểm bệnh viện tự chủ năm 2019 từng được hi vọng sẽ “cởi trói” cho các bệnh viện tuyến cuối, khi các đơn vị không còn phụ thuộc vào tiền ngân sách mà được tự quyết về nhân lực, giá dịch vụ cùng nhiều cơ chế mở khác.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị Quyết 33 của Chính phủ, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin dừng và chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60. Vì sao bệnh viện hạng đặc biệt này xin dừng tự chủ toàn diện?
Bạch Mai là một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, y bác sĩ ở đây được đánh giá có chuyên môn cao đầu ngành, nhiều chuyên khoa đã gắn với thương hiệu Bạch Mai như “A9 Bạch Mai”, “Hồi sức Bạch Mai”, “Tim mạch Bạch Mai”… Đây cũng là một trong 4 bệnh viện được thí điểm tự chủ toàn diện từ đầu năm 2020 theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Tuy nhiên, sau 2 năm thí điểm mới đây Bệnh viện Bạch Mai đã xin dừng thực hiện.
Tương tự, trong 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được trang thiết bị mới nào. Một trong những thách thức để thực hiện tự chủ toàn diện đó là tính phí dịch vụ y tế chưa đủ… Do đó, Bệnh viện K đã xin thay đổi mô hình tự chủ toàn diện sang thực hiện theo Nghị định 60.
Từ thực tế trên, nói như cách ví von của một chuyên gia trong ngành Y tế, nếu coi quá trình tự chủ bệnh viện như chiếc thuyền trên sông, thì hiện tại không ít thuyền đang “mắc cạn”.
Tại buổi làm việc của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với Bệnh viện Bạch Mai mới đây, TS.Dương Đức Hùng- Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Qua thời gian thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai đề xuất chuyển đổi theo mô hình thực hiện theo Nghị định 60 (theo nhóm 2) – tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên để “phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Bệnh viện Bạch Mai”.
Theo TS.Dương Đức Hùng một trong những lý do Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện là do chưa có cơ chế để thực hiện tự chủ. “Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ, nhưng bệnh viện chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Điều đó có nghĩa bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa”, TS.BS Dương Đức Hùng nói.
Làm rõ thêm, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ thông tin, Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành đề án tự chủ vào tháng 3/2022, sau 2 năm triển khai. Bệnh viện cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cho dừng thí điểm tự chủ vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Bệnh viện đề nghị được thực hiện theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP.
“Nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của Đề án tự chủ toàn diện. Thời điểm thực hiện tự chủ đúng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, bệnh viện bị phong tỏa, các hoạt động bị đóng băng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân dịch bệnh khiến cho mọi hoạt động bị đình trệ, chủ yếu tập trung chống dịch, nguồn thu sụt giảm 50%…”, PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Về tự chủ tài chính, ông Cơ cho biết thêm, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm…
Thêm vào đó, bệnh viện đang thu giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế nhưng mức giá này đã lạc hậu, lỗi thời (mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí) dẫn đến thu không đủ bù chi. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là không còn nguồn thu từ trang thiết bị, máy y tế xã hội hóa…
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng làm rõ thêm, do đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nguồn thu của Bệnh viện (giảm khoảng 4.000 tỷ đồng trong 2 năm 2020-2021 so với năm 2019) và bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ thực hiện được việc xác định quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập. Bên cạnh đó, do nguồn thu giảm nên đã ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động.
“Đời sống của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai trong 2 năm qua khá vất vả, có những người chỉ thu nhập 5 triệu, có những điều dưỡng phải bán hàng online thêm để trang trải cuộc sống, nhiều bác sĩ phải chạy grap buổi tối”, bà Đoàn Thu Trà- Chủ tịch Công đoàn của Bệnh viện này thông tin.
“Thay mặt cho hơn 4.000 nhân viên y tế và công đoàn ngành, chúng tôi mong có quyết sách mới làm sao thu đúng, đủ, để nhân viên y tế có hệ số lương phù hợp, đời sống ổn định để yên tâm làm việc, không có sự di chuyển công việc”, bà Đoàn Thu Trà nói.
Do đó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.
Trong khi đó, GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, quá trình thí điểm tự chủ toàn diện, đơn vị cũng gặp những khó khăn như giá dịch vụ thanh toán bảo hiểm y tế phải theo khung giá quy định chung, bệnh viện cũng chưa có nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị mới.
“Bệnh viện K và các bệnh viện tham gia thí điểm tự chủ đều là những bệnh viện đầu ngành. Việc chọn bệnh viện đầu ngành để thí điểm sẽ khó đánh giá hiệu quả bởi dù tự chủ hay không thì vẫn có lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị ít có sự thay đổi”, ông Quảng nói đồng thời cho biết, nếu thực hiện tự chủ toàn diện thì cả bệnh viện và người bệnh cũng vẫn sẽ gặp những khó khăn nhất định, cụ thể là: bệnh nhân ung thư phải chi trả nhiều hơn, ngay cả khi có hành lang pháp lí, việc thực hiện tự chủ toàn diện cũng cần theo lộ trình. Trường hợp tự chủ toàn diện thì kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Vậy những chi phí này sẽ do Bệnh viện K, bệnh viện tuyến dưới hay Nhà nước chi trả?”, GS.TS Lê Văn Quảng đặt câu hỏi.
Đồng thời, giai đoạn bệnh viện thí điểm tự chủ là lúc dịch Covid-19 xảy ra nên nguồn thu giảm khoảng 35-40% (tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng). Đây cũng là khó khăn cho bệnh viện khi nguồn thu giảm nhưng nguồn chi không đổi.
Ngoài ra, nếu tự chủ hoàn toàn, riêng tiền thuế đất của cả 3 cơ sở, Bệnh viện K phải đóng đến hàng chục tỷ đồng/năm. Đây là một bài toán khó đối với bệnh viện. “Nếu thực hiện tự chủ toàn diện thì bệnh viện phải đóng tiền sử dụng đất, nhưng chưa có quy định rõ. Do vậy, Bệnh viện K cũng chưa biết xử lí thế nào. Đặc biệt, nếu tự chủ hoàn toàn thì riêng tiền thuế đất của cả 3 cơ sở, một năm Bệnh viện K đã phải đóng đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây cũng là một bài toán khó đối với bệnh viện”, GS.TS Lê Văn Quảng nói.
“Về lý thuyết, cơ chế tự chủ toàn diện có nhiều ưu điểm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và giảm áp lực chi cho ngân sách. Tuy nhiên, nếu áp dụng với thực tiễn của ngành y, cơ chế này chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại mà cần có lộ trình”, ông Quảng cho biết.
Vướng mắc đa phần liên quan cơ chế tài chính
Tại Tp.HCM, từ tháng 1/2017, 51 bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế đã không nhận ngân sách Nhà nước và chính thức tự chủ nguồn kinh phí để chi thường xuyên cho toàn bộ hoạt động của bệnh viện.
Qua 5 năm thực hiện, trong đó 2 năm phải ứng phó với dịch Covid-19, các cơ sở y tế tại Tp.HCM họ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ.
Trao đổi với báo chí ngày 20/8, đại diện Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM thông tin đơn vị đăng ký tự chủ ở nhóm 2, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên, không đầu tư.
Việc triển khai tự chủ tài chính hiện nay chỉ mới tính 4/7 yếu tố đối với các dịch vụ y tế. Để bệnh viện hoạt động tự chủ hơn, đại diện bệnh viện Ung Bướu đề xuất nên tính đủ, thu đúng đủ 7 thành phần cấu thành giá.
Mỗi ngày, 2 cơ sở của bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.500 bệnh nhân ngoại trú và 700-800 nội trú. Hiện, bệnh viện đủ thu chi và đảm bảo quỹ lương, phúc lợi, phát triển sự nghiệp. Cơ sở 2 của bệnh viện hiện đại, rộng rãi nên chi phí vận hành cũng nhiều hơn. “Mong nhà nước, thành phố hỗ trợ thêm chi phí để đơn vị hoạt động”, đại diện Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM cho biết.
Còn lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết bệnh viện tự chủ tài chính theo hướng tự chủ vốn thường xuyên chứ chưa thể tự chủ vốn đầu tư. Nghĩa là khi tự chi, bệnh viện tạo nguồn thu mua thuốc, mua vật tư…, còn vốn đầu tư xây dựng, sắm trang thiết bị sẽ do Nhà nước cấp.
Thực tế từ đợt dịch Covid-19 vừa qua, bệnh viện không có nguồn thu nên gặp nhiều khó khăn khiến thu nhập của cán bộ, công nhân viên giảm.
Vị này đánh giá với cơ chế tự chủ một phần như hiện nay, bệnh viện chuyên khoa sẽ hoạt động tốt hơn các bệnh viện đa khoa, bệnh viện quận. Do đó, cần nghiên cứu và làm rõ nhiều quy định về việc thu viện phí. Giá BHYT thường cố định nhưng giá vật tư luôn thay đổi theo hướng tăng cao.
Về vấn đề tự chủ toàn diện của các bệnh viện, Quyền Bộ Trưởng Đào Hồng Lan thông tin, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là 2 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ và đã có 2 năm thực hiện. “Với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, chúng ta muốn chuyển sang hình thức nào (tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60), Bộ Y tế đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính Phủ. Chúng tôi đang giao Vụ Kế hoạch – Tài chính làm việc với 2 đơn vị đang thực hiện tự chủ của Bộ để đánh giá kỹ, từ đó trình lên Chính Phủ”, Quyền Bộ Trưởng nói.
Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho rằng, các vướng mắc đa phần liên quan cơ chế tài chính, vì vậy cũng như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai cần có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết nào.
“Từ đó, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng trong quá trình triển khai thực hiện. Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc này – cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật, sẽ đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng thời gian tới tốt hơn”, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Đề cập vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện tự chủ toàn diện phải đối mặt liên quan cơ chế tài chính. Với bệnh viện tuyến cuối về yêu cầu phải thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, điều trị bệnh nhân nặng, đào tạo chuyên khoa sâu, làm chủ kĩ thuật cao… nhưng khi được giao tự chủ toàn diện, bệnh viện sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, tự tuyển người, lỗ phải chịu song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lí giá.
Đề cập vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện tự chủ toàn diện phải đối mặt liên quan cơ chế tài chính. Với bệnh viện tuyến cuối về yêu cầu phải thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, điều trị bệnh nhân nặng, đào tạo chuyên khoa sâu, làm chủ kĩ thuật cao… nhưng khi được giao tự chủ toàn diện, bệnh viện sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, tự tuyển người, lỗ phải chịu song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lí giá.
TS Nguyễn Huy Quang phân tích: “Chúng ta mong muốn có được thể chế pháp lí để thực hiện tự chủ thí điểm nhưng lại vướng một số luật khác nhau như Luật Đầu tư không đề cập về đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc… là những thứ đặc thù, tuy nhiên, chúng ta đang thiếu cơ chế để tổ chức thực hiện.
Qua rà soát, hiện nay, thiết bị y tế cả nước thiếu 73%, vật tư y tế thiếu 75%. Như vậy, toàn tuyến y tế từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã thiếu tới 73 – 75% thiết bị, vật tư y tế. Đây là con số đáng báo động. Thực tế, bác sĩ muốn khám chữa bệnh cho người dân thì phải có thuốc, trang thiết bị y tế nhưng nay những thứ này thiếu thì rất khó thực hiện. Cho nên, hiện nay, ngay cả các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa nói đến các bệnh viện công tự chủ toàn diện”.
PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Tự chủ mới có thể thể hiện được năng lực, sự sáng tạo nhưng có lẽ giờ đây chúng ta cần phải nhìn nhận lại câu chuyện tự chủ một cách thấu đáo hơn”.
Nghị quyết 33 ban hành năm 2019, giao bệnh viện tự chủ toàn diện, được quyết định giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu theo khung giá được Bộ Y tế ban hành; kê khai, công khai giá theo quy định pháp luật. Bệnh viện quyết định quy mô, lựa chọn phát triển các chuyên ngành mũi nhọn, thực hiện mô hình như doanh nghiệp, có hội đồng quản lý mà không cần thông qua Bộ Y tế. Nghị định 60 ban hành năm 2021 quy định về tự chủ tài chính, gồm: Danh mục và giá, phí dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước; phân loại chi tiết hơn mức độ tự chủ tài chính; cách thức xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên; quy định các nguồn tài chính của đơn vị… Trong đó nhóm hai không cần tự đảm bảo chi phí đầu tư như nhóm một, chỉ tự đảm bảo các khoản chi thường xuyên như lương, các khoản góp theo tiền lương, hoạt động chuyên môn, phí quản lý… |
M.Vy (T/h từ Đảng cộng sản Việt Nam, Sức khỏe& Đời sống, Tiền Phong, An ninh Thủ đô, VOV)
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tu-chu-benh-vien-nhu-thuyen-dang-mac-canbenh-vien-xin-dung-thi-diem-a566430.html