Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng trên sàn chứng khoán từ đầu năm đã giảm gần 50.000 tỷ đồng, do biến động cổ phiếu VIC giảm hơn 30%.
Thống kê tài sản những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy chỉ trong thời gian ngắn, danh sách những người dẫn đầu đã có sự thay đổi đáng kể do biến động của cổ phiếu trên thị trường. Trên sàn chứng khoán Việt chỉ còn 6 người có khối tài sản vượt 1 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng là vị doanh nhân mất nhiều tài sản nhất trên sàn chứng khoán. Phần lớn tài sản của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đến từ số cổ phần sở hữu trực tiếp và gián tiếp tại Vingroup. Chính điều này đã khiến tài sản ròng của ông Vượng giảm mạnh khi giá cổ phiếu VIC đang trong xu hướng giảm liên tục. Ông Vượng đang sở hữu trực tiếp 985,5 triệu cổ phiếu VIC và sở hữu gián tiếp 1,17 tỷ cổ phiếu thông qua 92,88% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Kể từ khi đạt đỉnh hơn 128.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 4/2021, thị giá VIC đã liên tục giảm. Từ cuối năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu này đã lao dốc một mạch từ vùng 106.000 đồng/cổ phiếu xuống mức 70.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, tương đương mức giảm ròng hơn 30%.
Dù vậy, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Số cổ phiếu ông nắm giữ tương ứng 156.519 tỷ đồng. Thị giá cổ phiếu giảm mạnh nhưng ông Vượng vẫn bỏ xa người đứng ở vị trí thứ 2.
Theo đó, vị trí thứ 2 thuộc về ông Đỗ Anh Tuấn, một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng. Vị doanh nhân đến từ Thanh Hóa hiện là Chủ tịch HĐQT Sunshine Homes, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Kiên Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KSFinance… cùng nhiều chức vụ trong các công ty thuộc hệ sinh thái Sunshine.
Cụ thể, ông Đỗ Anh Tuấn đang sở hữu 17,9 triệu cổ phiếu KLB, 162,7 triệu cổ phiếu KSF, 8,5 triệu cổ phiếu SCG, 243,7 triệu cổ phiếu SSH. Theo giá thị trường, tổng giá trị sổ cổ phiếu này lên tới 34.523 tỷ đồng.
Dù vậy, tài sản của ông Tuấn trên sàn chứng khoán dựa vào biến động cổ phiếu và thay đổi theo biến động thị trường. Forbes hiện vẫn chưa công nhận ông Đỗ Anh Tuấn là tỷ phú USD Việt Nam.
Xếp ở vị trí thứ 3 là Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh. Tài sản của ông Hồ Hùng Anh bám sát ông Đỗ Anh Tuấn với 34.124 tỷ đồng. Theo đó, trên sàn chứng khoán, ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu 39,3 triệu cổ phiếu TCB của Techcombank, 211,4 triệu cổ phiếu MSN và còn gián tiếp sở hữu thêm 89,4 triệu cổ phiếu MSN thông qua 47,56% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương. TCB trên sàn chứng khoán cũng đã giảm gần 30% thị giá, trong khi MSN cũng giảm khoảng 27%.
Xếp vị trí thứ 4 là ông chủ “Vua thép” Hòa Phát Trần Đình Long. Ông Long sở hữu hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG. Số cổ phiếu này theo diễn biến thị trường có trị giá lên tới 33.966 tỷ đồng. Ông Long lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes năm 2018, đã từng có thời điểm là người giàu thứ 2 Việt Nam.
Vị trí thứ 5 là ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang. Ông Quang đang sở hữu 30.417 cổ phiếu MCH, 9,4 triệu cổ phiếu TCB, 215,6 triệu cổ phiếu MSN và còn gián tiếp sở hữu thêm 91,2 triệu cổ phiếu MSN thông qua 48,5% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương. Giá trị tài khoản chứng khoán của ông là 33.696 tỷ đồng.
Người cuối cùng trong danh sách tỷ phú USD trên sàn chứng khoán là CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo. Phó Chủ tịch thường trực của HDBank, Phó Chủ tịch HĐQT và CEO Vietjet Air, Chủ tịch HĐQT Sovico. Bà Thảo nắm 74,8 triệu cổ phiếu HDB, 47,4 triệu cổ phiếu VJC của Vietjet và gián tiếp sở hữu thêm 193,4 triệu cổ phiếu VJC thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng dương Sunny. Tổng trị giá của lượng cổ phiếu này là 33.176 tỷ đồng.
Như vậy, Việt Nam có 6 tỷ phú USD nếu tính theo giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán. Còn theo ghi nhận của Forbes, Việt Nam hiện có 7 tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng (5,2 tỷ USD); bà Nguyễn Thị Phương Thảo (2,7 tỷ USD); ông Bùi Thành Nhơn (2,7 tỷ USD); ông Hồ Hùng Anh (1,9 tỷ USD); ông Trần Đình Long (1,9 tỷ USD); ông Nguyễn Đăng Quang (1,6 tỷ USD) và ông Trần Bá Dương cùng gia đình (1,5 tỷ USD).
Tài sản ròng của các tỷ phú USD được tạp chí định giá dựa trên lượng cổ phiếu nắm giữ trong các công ty, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ.
Trần Thu Thảo
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tai-san-cua-cac-ty-phu-usd-tren-san-chung-khoan-viet-bien-dong-manh-a559595.html