Home Tiêu điểm Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả,...

Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững

0

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật HTX nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi

Tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9, sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã (HTX) hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Đồng thời, hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác;

Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác,…

Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) trình Quốc hội bao gồm 12 Chương, 117 Điều (Luật HTX năm 2012 gồm 9 Chương, 64 Điều), bám sát 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, bao gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX;

Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Liên quan đến các nội dung xin ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật. Theo đó, Chính phủ lựa chọn phương án đổi tên thành “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác”.

Bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan

Thẩm tra sơ bộ dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Hồ sơ của dự án Luật đáp ứng điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4; bố cục và kết cấu của dự án Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, kết cấu lại các nội dung của dự án Luật bảo đảm tính logic, hợp lý hơn…

Đối với các nội dung không thể quy định chi tiết tại dự án Luật, cần nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn kèm theo, bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật theo quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Về cơ bản các nội dung của 8 chính sách tại Nghị quyết 20 đã được thể chế hóa tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, các chính sách này còn chung chung, chưa được cụ thể.

Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan, nhất là phải bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; đề nghị bổ sung nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ cụ thể, xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống.

Liên quan đến tên gọi của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu phù hợp với tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi);

Đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất một cách đầy đủ những quy định khác nhau giữa Luật này và các luật liên quan. Từ đó, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung đặc thù đối với HTX quy định ngay tại dự thảo Luật này hay dẫn chiếu hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Quang cảnh phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nêu rõ, các nội dung quy định về Tổ hợp tác còn khá mờ nhạt, chưa đủ cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định;

Đề nghị bổ sung làm rõ điều kiện để chuyển đổi Tổ hợp tác thành HTX như các điều kiện về số lượng thành viên, nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động…; điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên Tổ hợp tác; việc đăng ký của Tổ hợp tác để làm cơ sở cho công tác thống kê và quản lý nhà nước đối với Tổ hợp tác.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này;

Làm rõ nguồn hình thành, cơ chế vận hành và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã ở Trung ương và ở cấp tỉnh; đề nghị nghiên cứu, đề xuất quy định một cách phù hợp, khả thi các nội dung liên quan đến chế độ hạch toán, kế toán của HTX khi trình độ của cán bộ quản lý tại HTX nhìn chung còn hạn chế và quy mô, mô hình tổ chức hoạt động các HTX là khác nhau;….

Hoàng Thị Bích

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thuc-day-kinh-te-tap-the-phat-trien-nang-dong-hieu-qua-ben-vung-a570513.html