Việc tăng lãi suất tiền gửi của ngân hàng đã tác động không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường bất động sản.
Lãi suất tiết kiệm tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng
Theo Thanh Niên, một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động tiết kiệm sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành trước đó.
Theo đó, các ngân hàng thương mại tăng mạnh lãi suất ở những kỳ hạn dưới 6 tháng, còn đối với những kỳ hạn trên 6 tháng có mức tăng thấp hơn. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng thêm 0,3 – 1%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; 6 tháng lên 6,1 – 6,4%/năm; 9 tháng lên 6,3 – 6,6%/năm… Đối với sản phẩm tiết kiệm “Chọn sống mới, chọn chất tôi”, lãi suất 6 tháng lên 6,4 – 6,7%/năm, 9 tháng lên 6,6 – 6,9%/năm, 12 tháng lên 6,5 – 6,8%/năm và mức lãi suất cao nhất là 7,3%/năm ở kỳ hạn 15 – 16 tháng…
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 0,5 – 1,1%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 4,5%/năm, 3 tháng lên 4,7%/năm, 6 tháng lên 6%/năm, 9 tháng lên 6,1%/năm, 12 tháng lên 6,3%/năm và mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này ở mức 6,7%/năm.
Trước đó, chiều 22/9, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1607 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm; có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 23/9.
Thị trường bất động sản bị tác động tiêu cực?
Theo Nhịp Sống Thị Trường, ngày 22/9/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã ban hành Quyết định số 1606/QĐ-NHNN điều chỉnh một số mức lãi suất có hiệu lực từ ngày 23/9/2022.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn là 5,0%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ. Lãi suất tái chiết khấu là 3,5%/năm, tăng 1%/năm so với quy định cũ.
Ngoài ra, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng 1%/năm lên 6,0%/năm.
Theo anh Nguyễn Thanh Tú, Giám đốc phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường bất động sản sắp tới.
“Thị trường sẽ sôi động khi lãi suất ngân hàng ổn định và mức lãi suất thấp. Bởi đa phần lực cầu trên thị trường bất động sản đến từ nhu cầu đầu tư và tài chính mua chủ yếu là dùng đòn bẩy. Thời gian qua dù lãi suất ngân hàng tăng chưa nhiều nhưng nhiều nhà đầu tư đã có những dè chừng nhất định trong việc đầu tư”, anh Tú nói.
Theo anh Tú, gần đây, một số nhà đầu tư bất động sản do không chịu được áp lực tài chính nên đã có hiện tượng bán cắt lỗ để giải tỏa, dù chưa có trình trạng bán tháo nhưng cũng đã phản ánh được tác động từ dòng tiền và tăng lãi suất của các ngân hàng.
“Nếu những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính mua bất động sản cách đây 1 năm thì cũng đã hết ưu đãi lãi suất. Thời gian tới, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường, nếu như lãi suất tiếp tục tăng cao, rất có thể sẽ dẫn tới bán tháo, giảm giá bất động sản”, vị Giám đốc phòng giao dịch bất động sản nhận định.
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB bất động sản Hà Nội cho rằng, việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ thu hút được rất nhiều tiền gửi. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng đồng nghĩa lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, điều này không tốt cho thị trường bất động sản.
“Trước đó, thị trường bất động sản sốt nóng, không ít người vay để lướt sóng bất động sản. Nhưng hiện nay thị trường bất động sản đang chững, giao dịch khó, nhiều người vẫn đang bị kẹt. Do đó, nếu lãi suất ngân hàng tăng cao, việc vay đầu tư bất động sản sẽ khiến nhà đầu tư cân nhắc”, ông Điệp nói.
Theo vị chuyên gia, tại một số thị trường bất động sản tỉnh thời gian qua, sốt nóng chủ yếu là đầu cơ thổi giá và không có nhu cầu thực. Do vậy, ở những thị trường này khả năng bán tháo rất cao.
“Ở các thị trường tỉnh, nguồn cung bất động sản không khan hiếm như Tp. HCM và Hà Nội nhưng bị đẩy giá rất cao, vượt giá trị thực, những nơi này khi lãi suất tăng cao rất có thể giá giảm mạnh. Còn ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM dù cũng tăng nóng trong thời gian qua, nhưng nhu cầu thực rất lớn và nguồn cung khan hiếm nên sẽ bị ảnh hưởng ít hơn”, ông Điệp nói.
Nói về nhu cầu thực của người dân khi lãi suất tăng, ông Điệp cho rằng, cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng không nhiều. “Người nhu cầu thực sẽ chỉ mua một ngôi nhà để ở nên sẽ không ảnh hưởng nhiều, bởi những người này nếu vay mua nhà cũng chỉ trong khoảng nhất định, phù hợp với khả năng chi trả. Tác động lớn nhất là đối với những người đầu tư, đầu cơ bất động sản dùng đòn bẩy quá lớn. Tuy nhiên, lãi suất sẽ không tăng sốc mà tăng từ từ, nhà đầu tư nào không đủ tiềm lực sẽ bị thanh lọc”, vị chuyên gia nói.
Đào Vũ
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/lai-suat-ngan-hang-tang-va-nhung-tac-dong-toi-thi-truong-bat-dong-san-a571050.html