Home Kinh tế vĩ mô Việt Nam – điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm...

Việt Nam – điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm kinh tế toàn cầu

0

Đi ngược lại với triển vọng ảm đạm của hầu hết nền kinh tế trên toàn cầu, kinh tế Việt Nam được các tổ chức tài chính và truyền thông quốc tế đánh giá đầy lạc quan cho dù còn tồn tại một số rủi ro.

8 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 4,79 triệu tấn, trị giá gần 2,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Sau hơn hai năm “oằn mình” chống chọi với đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khác, bao gồm khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, lạm phát tăng phi mã buộc nhiều ngân hàng trung ương lớn phải tích cực tăng lãi suất bất chấp nguy cơ suy thoái, đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn khiến hoạt động kinh tế xã hội tại nhiều nước trên thế giới bị hạn chế. 

Tuy nhiên, đi ngược lại với triển vọng ảm đạm của hầu hết nền kinh tế trên toàn cầu, kinh tế Việt Nam lại được các tổ chức tài chính và giới truyền thông thế giới đánh giá đầy lạc quan cho dù còn tồn tại một số rủi ro nhất định.

Điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tối màu

Mới đây nhất, trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương được công bố ngày 26/9, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế khu vực trong năm nay giảm tốc so với mức tăng trưởng 7,2% năm 2021, trước khi tăng tốc lên mức 4,6% vào năm tới.

Theo WB, kinh tế toàn cầu suy yếu đang làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa chế tạo của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. 

Lạm phát gia tăng ở bên ngoài đã thúc đẩy việc tăng lãi suất, từ đó gây ra xu hướng rút vốn khỏi thị trường khu vực và suy yếu đồng nội tệ ở một số quốc gia. 

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass thậm chí đã cảnh báo rằng nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái có thể kéo dài sang năm 2023 và lâu hơn nữa.

Tuy nhiên, Việt Nam được WB dự báo dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng là 7,2% trong năm 2022, tăng từ mức dự báo hồi tháng Tư là 5,3%, nhờ nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ và các hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

Cùng ngày, báo Financial Times (Anh) đã đăng bài viết với nội dung đánh giá cao những kết quả hoạt động kinh tế mà 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đạt được trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung đang đối mặt với triển vọng u ám. 

Những nền kinh tế nổi bật được bài báo kể đến gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Nhật Bản. Điểm chung của các nền kinh tế này là tăng trưởng tương đối cao, lạm phát vừa phải hoặc lợi nhuận thị trường chứng khoán cao so với các nền kinh tế khác. 

Financial Times không quá bất ngờ khi Việt Nam nằm trong danh sách 7 nước có hoạt động kinh tế hiệu quả và coi đây là minh chứng điển hình cho thấy các chính sách của chính phủ đang phát huy hiệu quả.

Nhờ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất xuất khẩu và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đang tăng trưởng gần 7%. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 21/9 cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á trong năm 2022 và 2023, trong bối cảnh một loạt thách thức gia tăng trên toàn cầu. 

Song đối với Việt Nam, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 và 2023 đều được ADB giữ nguyên trong ba Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á gần nhất. Theo đó, ADB có trụ sở ở Manila, Philippines dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay và tăng 6,7% trong năm tới.

May hàng xuất khẩu tại Công ty may Tam Quan, Bình Định. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Với mức dự báo tăng trưởng như vậy, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023.

Dự báo của ADB phản ánh sự lạc quan tương đối của các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam. Mới đây, công ty đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.

Việc tổ chức Moody’s nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực của nước ta.

Việt Nam cũng là quốc gia châu Á duy nhất được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 vào hồi giữa tháng Chín này, nhờ việc gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới COVID-19, các nỗ lực bao phủ vaccine, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, dẫn tới sự phục hồi của các lĩnh vực như du lịch.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá cao khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam giữa bối cảnh thế giới đối mặt với hàng loạt cú sốc.

Theo ông Jeffries, chính sách tiền tệ được Chính phủ Việt Nam thực hiện từ trước đến nay đã góp phần rất lớn vào thành công này, giúp kiểm soát nguồn cung tiền và đảm bảo nguồn cung tín dụng, giải quyết áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để phục vụ quá trình phục hồi.

Giữa bối cảnh một loạt ngân hàng trung ương, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã điều chỉnh nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Điều này tạo ra một làn sóng thoái vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, ông Jeffries cho rằng Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn so với các quốc gia châu Á khác nhờ tỷ lệ nợ công tương đối thấp, tương đương 43% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát vốn cũng giúp hạn chế các dòng tiền đầu cơ ngắn hạn từ nước ngoài chảy vào và ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm là một ví dụ cho thấy chính phủ sẵn sàng đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết để duy trì ổn định tiền tệ giữa làn sóng nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn.

Những rủi ro tiềm ẩn

Mặc dù đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng, song các định chế tài chính quốc tế vẫn đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm ứng phó với các thách thức ngày càng nghiêm trọng.

Ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện IMF tại Việt Nam, nhấn mạnh việc điều hành chính sách tiền tệ cần hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng.

Ví dụ tỷ giá Việt Nam đang thấp hơn nước khác, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng ổn định tỷ giá này giúp sản xuất trong nước. Trong khi đó chính sách về tài khóa hỗ trợ chính sách tiền tệ và phục hồi kinh tế cũng cần được triển khai.

Chính sách về tài khóa cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu cụ thể và trên diện rộng để không đi ngược lại chính sách tiền tệ.

Chế biến chanh dây xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại diện IMF cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xử lý vấn đề nợ xấu, các rủi ro tiềm tàng. Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam đang tăng khá nhanh và GDP tăng rất cao, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường hệ thống ngân hàng để phát triển thị trường vốn.

Trong khi đó, WB cũng cảnh báo một số rủi ro tiềm ẩn ở phía trước đối với nền kinh tế Việt Nam, trong đó có áp lực lạm phát toàn cầu và đà suy giảm kinh tế ở một số đối tác thương mại lớn.

Tại Việt Nam, giá tiêu dùng trong giai đoạn từ tháng 1-7/2022 vẫn tăng nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước. Sự phục hồi kinh tế chậm chạp trong năm 2021 đã giúp duy trì mức lạm phát cơ bản thấp hơn các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, lạm phát có thể gia tăng khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Chi phí vận tải và các mặt hàng như phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng có thể khiến giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tăng, gây thêm áp lực lạm phát.

Bất ổn về thương mại toàn cầu và thị trường tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt nếu một số ngành không thể tiếp cận hàng hóa trung gian cần thiết do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Điều đó có thể làm giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, làm chậm tốc độ tăng trưởng sản xuất và công nghệ.

Còn theo ông Andrew Jeffries, môi trường lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn và xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới đang làm suy yếu nhu cầu toàn cầu.

Việt Nam là một nền kinh tế mở, bởi vậy nhu cầu suy yếu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Một vấn đề khác mà ông Jeffries cũng lưu ý là tình trạng thiếu lao động có thể cản trở sự phục hồi của những ngành nghề xuất khẩu sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam.

Về dài hạn, ông Jeffries cho rằng, sự ưu tiên nên tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể, tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm các chi phí trong kinh doanh. Đây là một quá trình lâu dài và liên tục.

Các tổ chức tài chính quốc tế đều chung quan điểm rằng, một khi Việt Nam có thể giải quyết những thách thức còn tồn tại liên quan đến thị trường lao động, hiệu quả của mạng lưới an ninh xã hội, những rủi ro về biến đổi khí hậu…

Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao và tiếp tục thúc đẩy chính sách phát triển bền vững hướng tới vị thế thu nhập cao hơn./.

Minh Trang

Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-diem-sang-hiem-hoi-trong-buc-tranh-am-dam-kinh-te-toan-cau/820749.vnp