Home Ngân hàng Chứng chỉ tiền gửi là gì? Khác gì tiền gửi tiết kiệm?

Chứng chỉ tiền gửi là gì? Khác gì tiền gửi tiết kiệm?

0

Do tính chính dài hạn và cố định thời hạn gửi, chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm và được ngân hàng sử dụng để huy động vốn dài hạn. 

Mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất thị trường hiện lên tới 8,55%/năm. Ảnh: BNEWS phát

Chứng chỉ tiền gửi là gì?

Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of Deposit) là một loại giấy tờ có giá, được các ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức hoặc cá nhân. Trên thực tế, loại giấy tờ này có giá trị như một quyển sổ tiết kiệm để thể hiện bạn đang có một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng đó.
Sổ tiết kiệm cũng là giấy tờ do ngân hàng cấp nhưng chỉ nhằm mục đích xác nhận quyền sở hữu đối với tài sản (tiền) gửi tại ngân hàng đó. 

Chứng chỉ tiền gửi khác gì tiền gửi tiết kiệm?

Do tính chính dài hạn và cố định thời hạn gửi, chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm và được ngân hàng sử dụng để huy động vốn dài hạn. 
Ngoài ra, khác với sổ tiết kiệm khi người gửi chỉ có thể cầm cố, chứng chỉ tiền gửi còn cho phép khách hàng chuyển nhượng theo quy định của ngân hàng.
Chứng chỉ tiền gửi là sản phẩm đầu tư không rủi ro, được đảm bảo bởi các tổ chức tài chính lớn. Cũng tương tự gửi tiết kiệm, gốc và lãi sẽ được đảm bảo trong suốt thời hạn chứng chỉ.
Tuy vậy, dù lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cao hơn gửi tiết kiệm nhưng tính thanh khoản lại không cao. Chứng chỉ tiền gửi không được rút hoặc tất toán trước hạn, hoặc nếu có phải qua nửa kỳ hạn (tùy quy định ngân hàng). Trong khi đó, tiền gửi tiết kiệm có thể rút tiền dễ dàng khi đến hạn hoặc rút một phần trước hạn.

Chứng chỉ tiền gửi có những loại nào?

Hiện nay, có 3 loại chứng chỉ tiền gửi chính, bao gồm:
– Chứng chỉ tiền gửi ghi danh: Là giấy tờ có giá phát hành dưới hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có mang tên người sở hữu.
– Chứng chỉ tiền gửi vô danh: Giấy tờ có giá phát hành dưới hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ không mang tên người sở hữu. Khi đó, quyền sở hữu chứng chỉ sẽ thuộc về người nắm giữ.
– Chứng chỉ tiền gửi ghi sổ: Là loại chứng chỉ không được quyền chuyển nhượng, thường sẽ bán theo mệnh giá và lĩnh lãi vào ngày đáo hạn.
Dù là chứng chỉ tiền gửi hay tiền gửi tiết kiệm cũng đều có những ưu, nhược điểm riêng. Vì thế, nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi mua, cần tính tới các rủi ro tài chính đột xuất.

Chứng chỉ tiền gửi ngân hàng nào cao nhất?

Hiện, SeABank đang là ngân hàng có mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất thị trường lên tới 8,55%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng trong thời gian từ 3/10 đến 14/10.
Vietcapital Bank cũng ra mắt chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm với kỳ hạn 18 tháng. Còn chứng chỉ tiền gửi các kỳ hạn 6 tháng; 9 tháng; 12 tháng và 15 tháng có lãi suất lần lượt là 7,5%/năm; 7,8%/năm; 8%/năm; 8,2%/năm.
So với biểu lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng này, lãi suất chứng chỉ tiền gửi đang cao hơn khoảng 1,1-1,4%/năm tùy theo sản phẩm tiền gửi tiết kiệm tại quầy hay online.
Một số ngân hàng khác cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao như Sacombank với lãi suất 8%/năm, kỳ hạn 7 năm; SHB 8,1%/năm kỳ hạn 8 năm; ABBank 7,57%/năm kỳ hạn 60 tháng…/.

Minh Châu

Link nguồn: https://bnews.vn/chung-chi-tien-gui-la-gi-khac-gi-tien-gui-tiet-kiem/261204.html