Là nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, Việt Nam được dự báo sẽ phải đối mặt với những rủi ro trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng.
Là nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất và xuất khẩu, Việt Nam được dự báo sẽ phải đối mặt với những rủi ro trước nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng khi nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Tài chính, Bộ Tài chính.
*Phóng viên:Thời gian qua có khoảng 90 ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát phi mã. Theo bà đây có phải là một trong các nguyên nhân quan trọng đẩy kinh tế toàn cầu đến bên bờ suy thoái?
*TS. Lê Thị Thùy Vân: Trong bối cảnh hiện nay, nguyên nhân lạm phát trên thế giới chủ yếu do chi phí đẩy. Ngoài ra với một số nước như Mỹ, EU hay các nước phát triển khác như Anh, lạm phát còn do cầu kéo, không phải do cung tiền. Do vậy, việc các ngân hàng trung ương liên tiếp tăng lãi suất lãi sẽ có thể dẫn tới tình trạng lạm phát đình đốn. Hơn nữa, dự báo ECB và Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất có thể làm suy giảm niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng, từ đó có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
*Phóng viên:Một số chuyên gia nhận định tình trạng kinh tế toàn cầu hiện nay khá giống với suy thoái kinh tế năm 1970, vì vậy thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm để thoát khỏi tình trạng lo ngại hiện nay. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
*TS. Lê Thị Thùy Vân: Suy thoái kinh tế năm 1970 và tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay đều có điểm chung là lạm phát tăng cao nhưng tốc độ tăng trưởng bị hạn chế, tức là tình trạng lạm phát đình đốn. Về các giải pháp kiểm soát lạm phát và ổn định tăng trưởng, các ngân hàng trung ương thời đó hay bây giờ đều sử dụng công cụ tăng lãi suất.
Từ suy thoái kinh tế năm 1970, bài học rút ra là sử dụng lý thuyết kinh tế trọng cung. Theo đó, từ các tác động từ phía cung, nền kinh tế thế giới thời kỳ đó đã không rơi vào suy thoái kéo dài sau đó. Đây là bài học cho các nước tham khảo. Đây cũng chính là chính sách trọng cung thời hiện đại được Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nhắc đến tại Diễn đàn kinh tế thế giới đầu tháng 1/2022 để kiểm soát lạm phát và ổn định tăng trưởng.
*Phóng viên:Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lần lượt ở các mức 6,5% và 6,7% cho năm 2022 và năm 2023. Theo bà đây có phải là dự báo quá lạc quan trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro nhất định đến từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và làn sóng tăng lãi suất?
*TS. Lê Thị Thùy Vân: Theo tôi đây là dự báo không hề lạc quan nếu nhìn vào hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như các kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong 9 tháng qua.
Cụ thể, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 của Việt Nam đạt 8,83% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng chín tháng cao nhất trong mười năm qua và đây cũng là một trong những mức tăng trưởng mạnh nhất ở Châu Á.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, các nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái thì Việt Nam phải lường trước các rủi ro. Thứ nhất, đó là nhập khẩu lạm phát. Thứ hai, Mỹ và Châu Âu vẫn có khả năng điều chỉnh tăng lãi suất nên sẽ có tác động đến thị trường tài chính thế giới, qua đó Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là biến động tỷ giá. Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để ổn định tỷ giá nên dự trữ ngoại hối cũng đang bị mỏng dần. Đây cũng là một thách thức.
*Phóng viên:Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh một số mức lãi suất có hiệu lực từ ngày 23/9 vừa qua. Theo bà, quyết định tăng lãi suất này sẽ tác động gì tới nền kinh tế Việt Nam?
*TS. Lê Thị Thùy Vân: Từ góc độ tích cực, mục tiêu của việc tăng lãi suất này là để đảm bảo lãi suất thực dương. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất nhằm thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất tiền đồng và tiền đôla Mỹ, qua đó ổn định tỷ giá. Ngoài ra, việc tăng lãi suất còn giúp đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và đây cũng là một tín hiệu của thị trường bởi Việt Nam không thể nào đi ngoài xu hướng thị trường.
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất cũng sẽ có những tác động đến nền kinh tế. Theo đó, khi lãi suất đầu vào tăng thì bắt buộc lãi suất đầu ra của các ngân hàng thương mại cũng phải điều chỉnh, cho dù Chính phủ khuyến nghị phải ổn định lãi suất cho vay. Thực tế là để giữ ổn định lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại buộc phải cắt giảm chi phí đầu vào, thực hiện số hóa hoặc là các biện pháp khác. Cùng đó, khi lãi suất đầu vào tăng lên thì biên lãi ròng của ngân hàng thương mại sẽ giảm.
Ngoài ra, tăng lãi suất sẽ khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng lên nên nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bị giảm đi, từ đó ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.
*Phóng viên:Vậy theo bà Việt Nam cần tập trung vào những giải pháp gì để ứng phó với các rủi ro từ đà suy giảm của kinh tế thế giới, từ đó duy trì đà tăng trưởng và ổn định các cán cân kinh tế vĩ mô?
*TS. Lê Thị Thùy Vân: Trước hết cần tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh triển khai thực hiện các giải pháp trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế bởi đây là một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023. Trong chương trình này, các cơ quan chức năng cần tháo gỡ vướng mắc để chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đi vào cuộc sống và việc triển khai thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ “về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh” cần được đẩy mạnh để nguồn vốn đến với doanh nghiệp sớm hơn.
Đối với chính sách tiền tệ, việc thực hiện cần thận trọng, chủ động, linh hoạt và hướng đến đảm bảo ổn định lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và ổn định tỷ giá. Đối với chính sách tài khóa, cần ưu tiên và mở rộng theo hướng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; các chính sách thuế, phí cần cần được rà soát để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Cùng đó, các giải pháp quản lý giá cả cũng như kiểm soát lạm phát cần thực hiện để đảm bảo lạm phát ở mức dưới mục tiêu 4%. Hơn tất cả, các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như các giải pháp khác cần bám sát Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành vào ngày 16/9/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm thoát khỏi cuộc khủng hoảng năm 1970 của thế giới dựa trên lý thuyết kinh tế trọng cung, Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất và xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự cường, hội nhập. Định hướng này sẽ giúp Việt Nam không bị phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung bên ngoài, giúp giảm thiểu thiệt hại do đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới và từ chính sách “không COVID” của Trung Quốc. Đây chính là những giải pháp mà Việt Nam hoàn toàn có thể làm được để đạt được những thành quả tốt hơn trong năm 2022 và 2023./.
*Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
Anh Nguyễn
Link nguồn: https://bnews.vn/ung-pho-truoc-nguy-co-suy-thoai-kinh-te-the-gioi/261753.html