Vé tàu Tết mở bán từ 25/10, kỷ lục 1 ô tô vi phạm 164 lần trong tháng, TP.HCM chi hơn 10.000 tỷ đồng làm 3 dự án giao thông trọng điểm, Hà Nội đề xuất lắp đặt 66 nút đèn tín hiệu giao thông,… là những thông tin đang được dư luận chú ý.
Hơn 15.000 tỷ đồng đầu tư đường sắt quốc gia giai đoạn 2021 – 2025
Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về chính sách phát triển và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư giao thông vận tải đường sắt.
Nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 15.467 tỷ đồng trong tổng số 272.709 tỷ đồng kế hoạch vốn trung hạn, chiếm khoảng 4,73%…
Trong số 15.467 tỷ đồng nói trên, các dự án chuyển tiếp giai đoạn trước là 11.662 tỷ đồng, các dự án khởi công mới (thực hiện dự án) là 3.222 tỷ đồng, các dự án khởi công mới (chuẩn bị đầu tư) là 583 tỷ đồng.
Trong năm 2022, nguồn vốn bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt qua Bộ Giao thông vận tải là 1.837 tỷ đồng trong tổng vốn bố trí 50.328 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,65%; nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là 3.000 tỷ đồng, đạt khoảng 40% so với nhu cầu.
Hà Nội đề xuất lắp đặt 66 nút đèn tín hiệu giao thông
UBND Thành phố Hà Nội vừa giao Sở Giao thông Vận tải lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án lắp đặt 66 nút đèn tín hiệu giao thông (giai đoạn 2022-2023), trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt bảo đảm tiết kiệm, phát huy hiệu quả đầu tư, khớp nối đồng bộ với các dự án xung quanh.
Trước đó, tại tờ trình UBND Thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan cho rằng, hiện trung tâm điều khiển giao thông của thành phố chưa đáp ứng về công nghệ điều khiển tự động đèn tín hiệu.
Căn cứ danh mục hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Sở Giao thông Vận tải, sau khi kiểm tra thực tế tại hiện trường, Công an thành phố thống nhất với một số nội dung sau: Lắp đặt đèn tín hiệu giao thông 3 màu tại 30 nút giao; lắp đặt đèn cảnh báo nháy vàng và bổ sung biển báo, gờ giảm tốc tại 34 nút giao; lắp đặt đèn cho người đi bộ tại 2 nút giao.
Vé tàu Tết mở bán từ ngày 25/10, mua sớm sẽ được giảm 10%
Theo Thông tin từ Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, kế hoạch bán vé tàu dịp Tết Quý Mão cho hành khách cá nhân và tập thể sẽ bắt đầu ngày 25/10. Tùy theo tuyến đường, giá vé dự kiến tăng 1-6% so với năm trước.
Đặc biệt, hành khách sẽ giảm từ 5% đến 10% giá vé khi mua vé trong thời gian 10 ngày đầu tiên bán vé tết. Bên cạnh đó, giảm 8% giá vé cho các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 20-1 và cự ly đi từ 1.000km trở lên.
Các vé tập thể từ 10 người trở lên giảm từ 2% đến 8% giá vé; hướng dẫn viên du lịch cũng được giảm 90% giá vé; giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi. Đối với sinh viên, giảm 20% giá vé từ ngày 3-1 đến 28-2.
Đối với các tuyến chạy khung thời gian thấp điểm, công ty cũng thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm từ 5% đến 30% giá vé cho hành khách mua vé cá nhân, mua vé xa ngày, mua tập thể, mua vé khứ hồi chiều về và giảm 20% giá vé cho sinh viên…
TP.HCM dự chi hơn 10.000 tỷ đồng làm 3 dự án giao thông trọng điểm
Từ nay đến cuối năm 2022, TP. HCM sẽ đồng loạt khởi công ba dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Các dự án này gồm: Nút giao thông An Phú, mở rộng Quốc lộ 50 và đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa để tiếp cận vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong đó, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (quận Tân Bình) với tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, được xây dựng kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khi khai thác, dự kiến khởi công vào tháng 11/2022, hoàn thành tháng 9/2024.
Nút giao thông An Phú (TP. Thủ Đức) có tổng mức đầu tư khoảng 3.773 tỷ đồng, là nút giao kết nối trực tiếp đại lộ Mai Chí Thọ – Lương Định Của – đường dẫn cao tốc TP. HCM – Long Thành Dầu Giây.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Đây là trục đường quan trọng nối TP. HCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây.
Xe ô tô vi phạm tốc độ đến 164 lần trong tháng
Ngày 19/10, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bình Phước cho biết đã ban hành quyết định xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Theo đó, Sở GTVT tỉnh Bình Phước quyết định thu hồi 54 phù hiệu của 18 đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm tốc độ theo quy định. Các phương tiện này đều có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km/h trở xuống).
Theo số liệu của Sở GTVT (từ ngày 1/8 đến 31/8/2022), các phương tiện vi phạm hầu hết là xe tải, xe container, đầu kéo, xe khách tuyến cố định. Đáng chú ý có xe vi phạm đến 164 lần/1.000 km (xe hợp đồng biển kiểm soát 51B 265.99), 151 lần/1.000 km (xe container biển kiểm soát 93H- 008.70), 89 lần/1.000 km (xe hợp đồng biển kiểm soát 93B-010.87)…
Nguyễn Luận (T/h)