Chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) phát triển. Việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX.
Kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến tích cực
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết, cũng như hiệu quả hoạt động.
Chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX.
Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể vẫn còn không ít khó khăn.
Theo kết quả khảo sát của Bộ NN&PTNT, hiện còn hơn 50% HTX chưa có định hướng về chuyển đổi số, trong đó, 37,5% HTX có chủ trương, quyết tâm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và 18,9% HTX chưa xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số.
Trước thực tế đó, kinh tế hợp tác và HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác, nhất là đối với các HTX, cần có các giải pháp cụ thể, hướng đến xây dựng một hệ sinh thái số đồng bộ và hữu hiệu dành riêng.
Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2022 do Bộ KH&ĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức vào ngày 23/9 vừa qua, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi ý một số giải pháp về chuyển đổi số cho kinh tế tập thể.
Đó là xây dựng một nền tảng số dùng chung cho tất cả các HTX để có một hệ thống quản trị hiện đại, giúp các HTX tiếp cận hệ tri thức về quản trị, gồm: Quản lý tài sản, quản lý tài chính, quản lý lao động và vận dụng phù hợp đối với đơn vị mình. Nền tảng này cũng sẽ giúp cho việc tổng hợp, thống kê về HTX sẽ rất thuận lợi, nhanh, chính xác, thậm chí có thể phát hiện sớm các bất cập để cảnh báo cho HTX. Khi sử dụng nền tảng quản trị dùng chung thì chi phí mà một HTX phải chi trả sẽ không quá cao. Đồng thời, còn tạo ra nguồn kinh phí để phát triển và vận hành nền tảng.
Ngoài ra, cần phát triển thêm các sàn thương mại điện tử chuyên cho các HTX để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Hiện cả nước có 2 sàn thương mại điện tử nông sản Việt Nam đang hoạt động là PostMart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Vỏ Sò của Tập đoàn Viettel. Các nền tảng thương mại điện tử này cũng có tiềm năng mở rộng để cung cấp đầu vào cho các HTX về giống, phân bón, vật tư sản xuất. Đồng thời, giúp các HTX phát triển và bảo vệ thương hiệu của đơn vị.
Giải pháp chuyển đổi số cũng có thể giúp cung cấp tri thức trực tuyến, tham vấn xử lý các vấn đề về thông tin khuyến nông, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, dự báo thời tiết dành cho nông dân và các HTX, tổ hợp tác. Vấn đề thông tin, dự báo thị trường giúp cho các HTX, tổ hợp tác cũng có thể thực hiện với các giải pháp chuyển đổi số.
Gắn với doanh nghiệp, tạo thành chuỗi liên kết cho sản phẩm
Thời gian qua, tuy còn nhiều hạn chế, nhưng hoạt động kinh tế hợp tác, HTX của tỉnh Bến Tre cũng đã có nhiều chuyển biến. Toàn tỉnh có 91 tổ hợp tác, 57 HTX tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đạt được một số kết quả khả quan.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bến Tre Nguyễn Thanh Phương cho biết, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan để tích cực hỗ trợ các HTX thay đổi về phương pháp, cách làm, tạo nhận thức mới trong hoạt động của HTX.
Các HTX thành lập mới trong thời gian gần đây đều được định hướng để gắn với doanh nghiệp ngay từ đầu, tạo thành chuỗi liên kết cho sản phẩm. Nhiều HTX dừa mới thành lập, như Hòa Lợi, Hưng Nhượng, Tân Lợi Thạnh đều đã gắn kết với doanh nghiệp dừa để có đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.
Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng hoạt động về nhân sự, quản trị, phương án sản xuất, kinh doanh theo hướng đồng tham gia, liên kết sản xuất bền vững với doanh nghiệp và sự tham gia chặt chẽ của thành viên, có nguồn vốn đủ mạnh, đủ khả năng đưa sản phẩm ra thị trường.
Tỉnh Bến Tre có 1.075 tổ hợp tác và 177 HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện; nông nghiệp – thủy sản; quỹ tín dụng nhân dân; thương mại – dịch vụ, kinh doanh tổng hợp; giao thông – vận tải; tài nguyên – môi trường với tổng số vốn điều lệ gần 289 tỷ đồng. Tổng số người tham gia bộ máy quản lý HTX là 760 người; số người tham gia quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 230 người, chiếm tỉ lệ 30,2%; trình độ sơ cấp, trung cấp là 345 người, chiếm 44,4%; số còn lại chưa qua đào tạo là 185 người, chiếm 24,3%. |
Các HTX, tổ hợp tác tại Bến Tre cũng đã có những động thái tham gia chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong điều hành, hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Vừa qua, Sở TT&TT tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và Công ty TNHH P.A Việt Nam về thúc đẩy sử dụng tên miền quốc gia “.vn”. Đồng thời, khai trương cổng đăng ký tên miền quốc gia “.vn” tại Bến Tre, với địa chỉ: http://bentreict.vn.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên tại Bến Tre có thể dễ dàng đăng ký sử dụng tên miền “.vn”, nhằm xây dựng, nhận diện thương hiệu, kinh doanh trực tuyến trên internet. Đồng thời, được hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các gói dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ số gắn với tên miền “.vn”.
Có 10 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh của tỉnh được hỗ trợ website mang tên miền “.vn”. Trong đó, có các HTX như: HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm, HTX Rượu nếp truyền thống Phú Lễ, HTX Nông nghiệp Tân Phú Tây, HTX Bò sữa Bến Tre, HTX Bánh phồng Sơn Đốc, HTX Bưởi da xanh VietGAP Giao Long.
Theo Báo Chính phủ