Bộ trưởng Công Thương đánh giá, thời điểm khó khăn là lúc để sàng lọc lại doanh nghiệp đầu mối, tiếp đến là thương nhân phân phối xăng dầu.
Chiều muộn 2/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc Nhà nước.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình trạng khan hiếm xăng dầu, đứt gãy nguồn cung và tạm đóng cửa một số cơ sở kinh doanh xăng dầu lại tiếp tục tái diễn ở Tp.HCM và xảy ra cục bộ tại Thủ đô Hà Nội.
Dù khó cũng không để đứt gãy nguồn cung
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói rằng, thời gian qua, xuất hiện một số doanh nghiệp đã thoái thác trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo tổng giao xăng dầu mà Bộ đã giao cho.
Song Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đây cũng là thời điểm, doanh nghiệp Nhà nước thể hiện vai trò của mình, từ doanh nghiệp sản xuất đến doanh nghiệp đầu mối đều phải nỗ lực hết mình. Các doanh nghiệp sản xuất phải tiếp tục, nỗ lực đạt và vượt xa sản lượng đã cam kết, càng nhanh càng tốt.
Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, phân phối xăng dầu thì phải khẳng định ngoài việc cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý của mình phải vươn ra các thị trường đang thiếu hụt cục bộ.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này, phải vươn lên để bảo đảm nguồn cung trong mọi hoàn cảnh, dù gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là cơ sở để sàng lọc lại doanh nghiệp đầu mối, sau đó là sàng lọc thương nhân phân phối và làm rõ trách nhiệm của ai, đơn vị nào”, Bộ trưởng nói.
Lý giải những khó khăn thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong nước, nguyên nhân để xảy ra tình trạng đứt gãy, khan hiếm nguồn cung ở một số vùng, miền đã được lý giải các cấp độ.
Gần nhất, lãnh đạo Bộ Công Thương đã giải trình trước Quốc hội, nêu rõ những lý do hoàn toàn khách quan và chủ quan. Một lý do được cập nhật cho đến thời điểm này là tỉ giá tiếp tục biến động rất ghê gớm và sức hút nguồn xăng dầu vào địa bàn châu Âu ngày càng gay gắt.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng: Việt Nam luôn khẳng định chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, còn 80% trong nước sản xuất, nhưng phải hiểu rõ trong 80% nguồn cung do 2 nhà máy sản xuất trong nước thì một nửa trong đó vẫn phải nhập dầu thô (xăng dầu nguyên liệu). Do Việt Nam nhập dầu thô từ nước ngoài nên vẫn đang phải lệ thuộc vào thị trường thế giới.
“Tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm”, Bộ trưởng cho hay.
Sức chịu đựng của doanh nghiệp có giới hạn
Tại cuộc họp, ông Đào Nam Hải – Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, nhằm bình ổn thị trường, Petrolimex đã nghiêm túc triển khai, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương với tinh thần trách nhiệm cao nhất và trong phạm vi nguồn lực của mình, thậm chí chấp nhận “thiệt thòi” về hiệu quả kinh tế khi phải mua hàng với giá cao để đảm bảo nguồn.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng cao đột biến trên phạm vi cả nước, trong sản lượng Bộ Công Thương phân giao cho Petrolimex trong quý IV/2022 là 2.145.000 m3/tấn, bình quân 715.000 m3/tháng.
Riêng tháng 10, Tập đoàn đã tạo nguồn và xuất bán 879.000 m3/tấn. Tháng 11 đã lên kế hoạch tạo nguồn tháng cao nhất trong lịch sử Tập đoàn là 1.156.000 m3/tấn, tương đương 140% kế hoạch được giao. Tháng 12 đặt mục tiêu tạo nguồn khoảng 1 triệu m3/tấn.
Cũng trong tháng 10, sản lượng bán của Công ty Xăng dầu Khu vực II đã tăng mạnh 38% so với bình quân 9 tháng đầu năm, có những ngày lượng xuất bán tăng tới 2,4 lần so với ngày thường. Thị phần của Tập đoàn tại Tp.HCM vốn đạt 22% và 25-35% tại các tỉnh phía Nam, nhưng đã chạm mức 40-45% vào giai đoạn “nóng” nhất về nguồn cung.
Tập đoàn cũng đã chỉ đạo các đơn vị kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương để tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải được chở hàng trong giờ cao điểm, như Tp.HCM từ đầu tháng 10 đã tăng từ 90 lên đến 180 lượt xe/ngày, hay tại Hà Nội cũng tăng thêm 40-50 lượt xe được chạy vào giờ cao điểm nếu cần thiết.
Dù vậy, lãnh đạo Petrolimex cho rằng “sức chống chịu của doanh nghiệp cũng chỉ có giới hạn, những giải pháp đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế, cần có các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại”.
Đại diện PV Oil cũng cho biết, cho đến hết tháng 10/2022, doanh nghiệp đã thực hiện tổng nguồn đạt khoảng 3,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại và ước tính hết năm 2022 sẽ đạt khoảng gần 4 triệu m3/tấn, tăng so với bình quân các năm trước đây khoảng 800.000 m3/tấn nhằm thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Bên cạnh đó, PV Oil cũng đang nỗ lực thực hiện pha chế xăng bổ sung thêm nguồn cung trong nước.
Sẽ có cơ chế bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp
Kết luận cuộc họp, để đạt được mục tiêu không đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên phạm vi cả nước, đặc biệt là để giải quyết những địa bàn đã và đang có hiện tượng đứt gãy cục bộ, Bộ trưởng đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối cả Nhà nước và tư nhân có điều kiện (đã và đang được phân giao, có uy tín để làm ăn được với các đối tác trong nước và nước ngoài) phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu, theo kế hoạch phân giao “càng vượt định mức bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu”.
Sẵn sàng bù đáp các sản lượng thiếu do các doanh nghiệp khác đã không và chưa thực hiện được kế hoạch phân giao của mình. Bộ trưởng cũng yêu cầu PVN thúc giục hai nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn tiếp tục tăng sản lượng sản xuất cung ứng ra thị trường thông qua hệ thống phân phối.
Đến thời điểm này, trong số 36 doanh nghiệp đầu mối thì chỉ có chỉ có 22 doanh nghiệp đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch phân giao kể cả kế hoạch vào đầu năm và bổ sung. Còn 14 doanh nghiệp hầu hết là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân đã chưa hoặc không thực hiện kế hoạch phân giao.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ cũng như các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần phải xem xét, xử lý các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu ngành Công Thương đặc biệt yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp từ đầu mối, tới thương nhân phân phối, đại lý, doanh nghiệp bán lẻ nếu như không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
“Điều này, chúng ta phải công bằng với nhau, nếu không công bằng thì không thể chấp nhận được. Quyền lợi thì doanh nghiệp hưởng nhưng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình là không được”, Bộ trưởng nói.
Hiện Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao nhiệm vụ rà soát để sửa đổi, điều chỉnh các quy định hiện hành của Nghị định 83, Nghị định 95. Bộ Công Thương sẽ sửa theo hướng những điều kiện của thương nhân phân phối cho đến cửa hàng bán lẻ phù hợp thực tế hơn.
“Cú sốc vừa rồi đã bộc lộ những khiếm khuyết trong quy định hiện hành của chúng ta. Bộ cũng sẽ sửa theo hướng một mặt tăng trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội, nhiệm vụ chính trị của các doanh nghiệp nói chung, của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhất là doanh nghiệp Nhà nước nói riêng. Mặt khác, cũng phải xây dựng cơ chế để bảo đảm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Nguyễn Thu Huyền
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/cu-soc-xang-dau-boc-lo-khiem-khuyet-trong-quy-dinh-hien-hanh-a578280.html