Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Phong độ của ‘vua tôm’ Minh Phú sau khi trở lại sàn...

Phong độ của ‘vua tôm’ Minh Phú sau khi trở lại sàn chứng khoán

0

Trở lại sau 2 năm vắng bóng trên sàn chứng khoán, Minh Phú liên tục tăng kế hoạch sản xuất kinh doanh mặc dù liên tiếp 5 năm chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Năm 2021, theo báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Thủy sản Minh Phú có doanh số đạt 395 triệu USD, chiếm gần 4,44%, đứng đầu về xuất khẩu thủy sản và xuất khẩu tôm của cả nước. Đồng thời, đây cũng là năm Minh Phú được ghi nhận đứng vị trí thứ 2 trong tổng số 44 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín nhất cả nước trong Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2021 của Bộ Công Thương.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú (MCK: MPC), hay còn được ví von với tên gọi “vua tôm” Minh Phú, được thành lập năm 1992 dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân chuyên thu mua, chế biến thuỷ sản để cung cấp cho các đơn vị xuất khẩu trong nước. Đặc biệt, tên của công ty chính là sự hợp nhất của tên 2 người con gái nhà Tổng Giám đốc Lê Văn Quang.

Từ 120 triệu đồng đến 4.000 tỷ đồng 

Bước sang năm 2006, Minh Phú chính thức chuyển mô hình sang công ty cổ phần, đồng thời đây cũng chính là năm công ty niêm yết cổ phiếu của mình tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với 60 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng. Ngay sau đó, công ty đã chuyển sang sàn giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh vào năm 2007 với quy mô vốn 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến năm 2015, công ty đã ra quyết định huỷ niêm yết tự nguyện trong bối cảnh MPC gặp khó khăn vì giá tôm trên thế giới bấp bênh, cạnh tranh lớn đến từ các quốc gia khác trên thế giới. Chính vì vậy công ty rất cần huy động vốn, nhưng thị trường chứng khoán thời điểm đó không thuận lợi, giá cổ phiếu trên thị trường chưa phản ánh đúng được giá trị thực của MPC, song song với đó là việc công ty muốn tìm kiếm đối tác chiến lược và tái cơ cấu công ty. 

Sau đó 2 năm, Thuỷ sản Minh Phú đã quay trở lại đường đua chứng khoán của mình bằng việc niêm yết trên sàn UpCoM với mức giá tham chiếu là 79.000 đồng/cổ phiếu. 

Trong hành chính phát triển của mình, Tập đoàn Minh Phú đã khẳng định “sức bền” của công ty khi liên tục tăng vốn điều lệ, từ 120 triệu đồng khi bắt đầu thành lập, hiện nay quy mô vốn của MPC là gần 2.000 tỷ đồng. 

Chưa dừng lại ở đó, vào cuối tháng 8/2022 công ty vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn của chủ sở hữu. Theo đó, công ty dự tính sẽ tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt mức gần 4.000 tỷ đồng trong năm 2022 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Tại phiên giao dịch ngày 12/11, cổ phiếu MPC đang giao dịch quanh vùng giá 16.800 đồng/cổ phiếu, có thể thấy, mức thị giá này so với ngày trở lại niêm yết của “vua tôm” đã giảm gần 80%.

Hồ sơ doanh nghiệp - Phong độ của “vua tôm' Minh Phú sau khi trở lại sàn chứng khoán
Diễn biến thị giá cổ phiếu MPC (Nguồn: TradingView).

Tháng 10/2021, công ty đã khởi động chuỗi dự án Nhà máy chế biến thủy sản Minh Phú tại Khu công nghiệp Khánh An, gồm có: Nhà máy chế biến thủy sản Minh Phú và nhà máy chế biến thủy sản Minh Phát, với công suất thiết kế 19 nghìn tấn/năm, trên diện tích đất xây dựng hơn 29.800m2. Mỗi dự án có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Đồng thời MPC cũng tiến hành xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, công suất thiết kế 2.700 m3/ ngày đêm, trên diện tích đất xây dựng 2,73 ha, tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng.

Tính tới thời điểm hiện tại, công ty đang sở hữu trong tay 16 công ty con, 2 công ty liên kết và 4 nhà máy trực thuộc công ty tập đoàn và công ty con.

Tham vọng sau khi trở lại sàn chứng khoán

Giai đoạn từ 2015 đến 2018, doanh thu và lợi nhuận của Minh Phú liên tục tăng trưởng, đạt đỉnh doanh thu 16.925 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 810 tỷ đồng vào năm 2018.

Sang năm 2019, tình hình kinh doanh của công ty giảm sâu vì chịu nhiều biến động của điều kiện khí hậu khó khăn, nuôi tôm không đạt dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu và chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá với các nước xuất khẩu. 

Chưa kịp hồi phục sau những khó khăn của năm 2019, năm 2020 công ty lại chịu thêm cú sốc mang tên Covid-19. Mặc dù quy mô sản xuất và kinh doanh có giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng sau thuế Minh Phú báo lãi tăng trở lại với 673,8 tỷ đồng, nhờ có sự điều tiết các chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. 

Năm 2021, MPC ghi nhận sự sụt giảm nhẹ về doanh thu thuần so với cùng kỳ, đạt 13.578 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi hơn 656 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chuỗi cung ứng bị đứt gãy khi biến thể mới của Covid – 19 xuất hiện đã làm giảm sản lượng xuất khẩu trong năm, chỉ đạt mức 52,7 tấn. 

Đáng chú ý, năm 2021 là năm thứ 5 liên tiếp kể từ 2017 công ty không hoàn thành được kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được đề ra trước đó. Mặc dù vậy, bước sang năm 2022, công ty vẫn tiếp tục nâng chỉ tiêu về cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, “vua tôm” Minh Phú đặt ra mục tiêu thu về 18.963 tỷ đồng doanh thu và 1.373 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu thuần của Thuỷ sản Minh Phú trong quý III/2022 đạt 5.141 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh 116%, lên tới 4.343 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp đạt 798 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 3%. 

Trong quý, mặc dù, doanh thu tài chính của công ty có xu hướng giảm nhẹ tuy nhiên chi phí tài chính lại tăng hơn 288%, đạt 88,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, các chi phí khác trong kỳ là chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại được tiết giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi trừ các chi phí, công ty lãi sau thuế 332 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Minh Phú ghi nhận doanh thu thuần đạt 13.871 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 574 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã hoàn thành lần lượt 66% và 45% kế hoạch đề ra của năm.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành xuất nhập khẩu, trong đó có ngành thuỷ sản, nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam, đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022. Kết quả là tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tới tháng 10/2022, xuất khẩu tôm đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 19%. VASEP ước tính xuất khẩu tôm năm 2022 đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021. Sản phẩm tôm xuất khẩu chính là tôm chân trắng, chiếm 75% với khoảng trên 3,2 tỷ USD, tôm sú chiếm khoảng 13% với gần 1,5 tỷ USD.

Các chuyên gia VASEP nhận định đến cuối tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD – mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.

Đầu năm 2020, khi đang giữ đà phát triển ổn định sau “cơn bão” Covid-19 thì cũng chính là lúc sóng gió ập đến với “vua tôm” trong cáo buộc đến từ Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam nhập tôm thành phẩm đông lạnh từ Ấn Độ để xuất sang Mỹ trong giai đoạn 9/2019 đến 1/2020. Theo đó, CBP đã kết luận Mseafood (công ty con của Tập đoàn Minh Phú) đã vi phạm lệnh thuế chống bán phá giá và phải chịu thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ.
Sau thời gian dài quyết liệt kháng cáo, “vua tôm” Minh Phú đã đòi lại được công bằng khi phía CBP huỷ bỏ kết luận Mseafood vi phạm lệnh thuế chống bán phá giá và hoàn trả lại số tiền đã tạm thu gần 15 triệu USD và tiền lãi.

Nguyễn Phương Anh

Link nguồn