Tới năm 2030, ngành sẽ phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm: Thuế, Hải quan, Kho bạc và TTCK.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức (đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân), điều này đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
Hội thảo Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022 với chủ đề “Thúc đẩy Chuyển đổi số và Hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính” được diễn ra tại Hà Nội ngày hôm nay 17/11 nhằm tạo ra một diễn đàn giữa các nhà quản lý, nhà xây dựng chính sách, các chuyên gia công nghệ thông tin cùng thảo luận để xây dựng chính sách.
4 trọng tâm chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có Quyết định về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.
Ông Trí cũng cho biết, tới năm 2030, ngành sẽ phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm chính: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; Hải quan thông minh; Kho bạc số 3 “không” (không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ); Chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán.
“Chiến lược Tài chính đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030”, ông Trí khẳng định.
Thay đổi phương thức điều hành trên nền tảng số
Chia sẻ một số giải pháp và định hướng trong thời gian tới, TS. Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính – Bộ Tài chính cho rằng, nên hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển tài chính số, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính. Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển ứng dụng, dịch vụ số trong các lĩnh vực tài chính.
Ngoài ra, cần phát triển các nền tảng, hệ thống, xây dựng các nền tảng đóng vai trò “trụ cột” trong xây dựng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số gồm có (nền tảng cơ sở dữ liệu Tài chính; nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính; nền tảng điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính; nền tảng định danh và xác thực điện tử).
“Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của ngành tài chính. Tăng cường tuyên truyền phổ biến quán triệt chủ trương Chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số. Nâng cao nhận thức, hiểu đúng, hiểu đủ về ý nghĩa và sự cần thiết phải chuyển đổi số, và các nhận thức về kinh tế số đối với người dân, doanh nghiệp và cán bộ của các cơ quan nhà nước; tăng cường hiểu biết về công nghệ thông tin của người dân đặc biệt trong lĩnh vực tài chính điện tử”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Hà – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, việc triển khai tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số của Bộ Tài chính sẽ làm thay đổi phương thức chỉ đạo điều hành, hoạt động dựa trên dữ liệu số.
“Ngoài ra, cũng sẽ thay đổi quy trình làm việc từ thủ công sang môi trường số và thay đổi phương thức người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ số, từ đó sẽ đem lại hiệu quả như nâng cao cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, rút ngắn thời gian xử lý công việc…”, ông Hà cho biết thêm.
Cũng tại hội thảo, bà Trịnh Thị Lan – Phó Giám đốc Trung tâm sản phẩm và giải pháp, Tập đoàn Viettel cũng có một số khuyến nghị với Bộ Tài chính. Theo bà Lan, các lĩnh vực và nghiệp vụ Bộ nên ưu tiên là phục vụ công dân và doanh nghiệp bằng cách tự động tiếp nhận, xử lý các vấn đề thuế, các phản ánh. Tiếp theo đó, cần tiếp nhận, cung cấp thông tin theo yêu cầu và các hoạt động thông báo, nhắc lịch tự động, trả các hồ sơ.
Bà Lan cũng cho rằng một lĩnh vực khác mà Bộ nên quan tâm là nhân sự, cần phải tự động hoá thủ tục nội bộ (cấp máy, cấp thẻ, cấp ID, cập nhật thông tin cho nhân sự mới hay có quy chế tính lương tự động.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng nên quan tâm đến lĩnh vực tài chính và kế toán. Việc này cần được tự động hoá ghi chép, thu thập, xử lý và lưu trữ các hóa đơn, chứng từ kế toán hay cần tự động lập và phân bổ chi phí.
“Đặc biệt, cần tự động hoá quản lý, thực hiện các khoản phải thu, phải trả (AR, AP) bằng cách tạo quét dữ liệu từ hoá đơn, hợp đồng, trích xuất và nhập dữ liệu vào các hệ thống theo dõi hoặc lập hoá đơn, đơn hàng phù hợp. Ngoài ra, cũng cần đối soát, đối chiếu tự động giao dịch, số liệu, tìm kiếm các sai lệch và so sánh, đối chiếu tổng hợp các báo cáo giá của các nhà cung cấp”, bà Lan kết luận.
Hồng Nhung – Thanh Hồng
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chuyen-doi-so-nganh-tai-chinh-la-huyet-mach-cua-nen-kinh-te-a580885.html