Giá khởi điểm các khoản nợ Vietinbank rao bán từ gần 13 nghìn đồng đến hơn 68 triệu đồng, của cá nhân vay tiêu dùng mất khả năng trả nợ, không có tài sản đảm bảo.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank; HoSE: CTG) vừa thông báo bán đấu giá 321 khoản nợ cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống. Đây đều là những khoản nợ của cá nhân vay tiêu dùng mất khả năng trả nợ, không có tài sản đảm bảo.
Tổng giá trị sổ sách (gốc, lãi, lãi phạt) của các khoản nợ này là hơn 6,6 tỷ đồng. Giá khởi điểm của các khoản nợ xấu vay tiêu dùng này được VietinBank chào bán là hơn 6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số này, khoản nợ thấp nhất có giá khởi điểm chỉ chưa đến 13 nghìn đồng, hai khoản nợ có giá trị cao nhất trên 68 triệu đồng. Khách hàng có thể mua từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ.
Đây không phải là lần đầu tiên VietinBank rao bán các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân. Trước đó, vào tháng 10/2022, VietinBank rao bán 233 khoản nợ vay tiêu dùng. Tháng 6/2022, VietinBank bán 82 khoản nợ vay tiêu dùng. Tháng 1/2022, VietinBank rao bán các khoản nợ cho vay tiêu dùng không có tài sản thế chấp của 85 khách hàng số tiền nợ gốc và lãi 1,74 tỷ đồng, giá khởi điểm 1,59 tỷ đồng.
Vào năm 2021, VietinBank cũng nhiều lần rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng cá nhân với với giá khởi điểm bằng giá trị ghi sổ.
Ngoài ra, gần đây, VietinBank cũng vừa có trường hợp bán nợ hy hữu. Theo đó, ngân hàng này bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần ĐTK và Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung ương.
Đây là khoản nợ phát sinh theo hợp đồng của hai doanh nghiệp trên với VietinBank Thăng Long và VietinBank Đống Đa. Tài sản đảm bảo khoản nợ ngoài một số lô đất và hàng tồn kho còn bao gồm toàn bộ đàn gà ba đời của công ty (gà ông bà, gà bố mẹ, gà con) và cả trứng gà.
Thúc đẩy thị trường mua bán nợ
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 8/2022, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống vẫn ở mức an toàn là 1,9%. Tỉ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 4,99%, giảm mạnh so với mức 6,3% cuối năm 2021.
Tuy nhiên, để thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu, NHNN đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung nhiều quy định để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Theo NHNN, hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là công ty có chức năng mua bán nợ duy nhất do Chính phủ thành lập được mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42 – 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. NHNN nên bổ sung thêm cả Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) vào đối tượng được áp dụng các cơ chế của Nghị quyết 42 – 2017.
NHNN cũng đề nghị mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng các cơ chế xử lý tại Nghị quyết 42 – 2017theo hướng cơ chế xử lý nợ xấu áp dụng đối với cả các khoản nợ xấu phát sinh từ thời điểm ngày 15/8/2017 trở về sau (nợ xấu sẽ được xác định theo các quy định hiện hành của NHNN về phân loại nợ và bỏ Phụ lục về xác định nợ xấu kèm theo Nghị quyết 42 – 2017.
Ngoài ra, để tổ chức tín dụng yên tâm bán nợ, NHNN đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quy định thẩm định giá các khoản nợ xấu. Hiện chưa có quy định cụ thể về các phương pháp thẩm định giá các khoản nợ, nên các tổ chức tín dụng lúng túng trong xác định mức giá khởi điểm khi cho mua bán nợ.
Lê Thanh Hồng