Home Kinh tế vĩ mô Kinh tế chia sẻ ‘rộng đường’ phát triển tại Việt Nam

Kinh tế chia sẻ ‘rộng đường’ phát triển tại Việt Nam

0

Với sự bùng nổ của công nghệ trong những năm gần đây, mô hình kinh tế chia sẻ đang được đà trỗi dậy mạnh mẽ và đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam. 

Thúc đẩy chuyển đổi số 

Mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) đang phát triển nhanh chóng cùng với sự phổ biến của smartphone tại một số đô thị những năm gần đây. Mô hình này đã và đang mang lại nhiều thay đổi trong đời sống xã hội tại Việt Nam.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới”, bà Đặng Thuỳ Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam cho rằng vai trò của nền KTCS ngày càng phát huy được kết quả tích cực đối với nền kinh tế chung, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam.

Trên thực tế, KTCS góp phần tiết kiệm nguồn lực, nguồn tài nguyên; giảm thiểu chi phí giao dịch, tăng tính hiệu quả và minh bạch của nền kinh tế; tạo cơ hội gia tăng thu nhập, tạo thị trường lao động mới; tạo động lực tăng trưởng và tăng năng suất cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Về mặt gián tiếp, nền KTCS thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp nền tảng số với Chính phủ để xây dựng chính sách pháp luật phù hợp.

Đặc biệt, nền tảng số trong đại dịch Covid-19 đã thể hiện tiềm năng phát triển mạnh mẽ giữa diễn biến phức tạp của ngoại cảnh.

Kinh tế vĩ mô - Kinh tế chia sẻ 'rộng đường' phát triển tại Việt Nam
Bà Đặng Thuỳ Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam.

“Sự có mặt của các nền tảng như Grab đã giúp các doanh nghiệp, thương nhân, người nông dân gia tăng sức chống chịu trước bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Nhờ có các nền tảng số, các doanh nghiệp, thương nhân dễ dàng phát triển thêm kênh bán hàng trực tuyến và các kênh giao nhận”, bà Trang nói.

Không chỉ giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19, nền tảng số còn đóng vai trò đòn bẩy trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Cụ thể, việc nền tảng số bùng nổ trong giai đoạn trước đó đã giúp thay đổi thói quen người tiêu dùng, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghiệp phát triển, thúc đẩy các kênh phân phối, bán lẻ trên nền tảng số bùng nổ số lượng nhiều hơn.

Lỗ hổng chính sách 

Dù đang thể hiện sự lớn mạnh của mình nhưng kinh tế chia sẻ đang gặp những thách thức mới, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp thúc đẩy nền kinh tế số nói chung và thúc đẩy an sinh xã hội cho cá nhân kinh doanh tham gia kinh tế chia sẻ nói riêng.

Bà Dương Thu Hương, đại diện Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam đã quy định khá chi tiết về quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh đối với một số loại hình kinh doanh mới trong KTCS còn gặp một số vướng mắc.

Về vấn đề quyền tự do kinh doanh, giữa “ghi nhận” quyền tự do kinh doanh và “bảo đảm thực thi” quyền này trên thực tiễn vấn còn khoảng cách. 

“Tư duy “quản không được” hoặc “chưa hiểu rõ” thì cấm gây cản trở việc thực thi quyền tự do kinh doanh trong nền KTCS”, bà Hương chia sẻ.

Trong quyền lợi cho người tiêu dùng bà Hương cũng nêu rõ, pháp luật Việt Nam hiện hành còn thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến KTCS.

Kinh tế vĩ mô - Kinh tế chia sẻ 'rộng đường' phát triển tại Việt Nam (Hình 2).
Toàn cảnh Hội thảo “Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Còn về vấn đề lao động và an sinh xã hội, hầu hết người lao động làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình KTCS đều không có bảo hiểm thất nghiệp, có các chương trình hưu trí và không được tham gia các khóa học đào tạo nâng cao kỹ năng như các công ty kinh doanh truyền thống.

Đại diện Viện Khoa học Pháp lý cũng nhấn mạnh về ảnh hưởng của mô hình KTCS đến việc bảo vệ quyền lợi cá nhân. Cụ thể, Các nền KTCS thu thập nhiều thông tin của người dung, có thể bao gồm vị trí của họ theo thời gian và các thông tin cá nhân khác, dẫn đến nguy cơ dữ liệu sử dụng được thu thập có thể được sử dụng sai mục đích.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban phụ trách, Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện nghiên cứu quản lý Trung ương cho rằng sau 3 năm thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ theo quyết định số 999 ngày 12/8/2019 đã có nhiều tác động tích cực trong sự phát triển của ngành dịch vụ nói riêng và nền kinh tế nói chung. 

Theo đó, ông Khải nhận xét KTCS chưa phát triển mạnh ở nhiều nước nhưng cũng có tiềm năng lớn phát triển (trước và sau Covid-19). Tuy nhiên quản lý nhà nước cho các loại dịch vụ KTCS không có một quy định chung mà là những chính sách thể hiện cụ thể ở từng lĩnh vực, do đó còn thiếu tính đồng bộ.

Cần Nhà nước đồng hành

Bà Dương Thu Hương khẳng định, KTCS vẫn là một xu hướng mới, cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi sự phát triển của mô hình này. Tư duy lập pháp mở và linh động để người chính sách, các nhà lập pháp đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. 

Trong bối cảnh khung pháp lý thường đi sau thực tế, việc cho áp dụng thử nghiệm chính sách mới là cách ứng xử của cơ quan nhà nước nên làm đối với những công nghệ mới.

Vấn đề cấp thiết đặt ra là cần sớm ban hành khung khổ pháp lý để thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh cũng như hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước nhằm giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia. 

Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; giải quyết các vấn đề nảy sinh về lao động, việc làm, an sinh xã hội của khu vực kinh doanh truyền thống khi bị thu hẹp thị phần trong cạnh tranh với các loại hình KTCS, giảm thiểu các xung đột xã hội có thể nảy sinh.

Trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần thống nhất nội hàm dữ liệu cá nhân thay vì sử dụng nhiều thuật ngữ thông tin cá nhân, bí mật cá nhân, bí mật gia đình… như hiện nay. Mở rộng phạm vi các vấn đề được bảo vệ bởi các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt các thông tin nhạy cảm.

Để đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong quản lý nhà nước đối với mô hình KTCS, quan trọng nhất là phải xác định rõ quyền, trách nhiệm của từng bên trong mối quan hệ ba bên (bên cung cấp nền tảng số, người cung cấp dịch vụ và khách hàng) của mô hình KTCS nhằm xác định rõ vai trò của từng bên trong từng mối quan hệ.

Hồng Nhung – Mỹ Sao

Link nguồn