Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khi Tổ công tác của Chính phủ làm việc với doanh nghiệp BĐS, địa phương thì sẽ ưu tiên xử lý các vấn đề có thể làm được ngay và luôn.
Thị trường bất động sản thời gian qua có nhiều biến động và nổi lên nhiều vấn đề. Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO.
Một số đơn vị cũng đang tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động hoặc giảm lương của lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% nhân sự.
Trước tình hình đó, ngày 17/11, Thủ tướng đã quyết định thành lập tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, Tp.HCM và một số tỉnh thành.
Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú làm Tổ phó và các thứ trưởng bộ ngành khác làm thành viên.
Tính đến nay (1/12) đã gần 15 ngày Tổ công tác được thành lập. Nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp, các tỉnh thành được tổ chức.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 chiều 1/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã có những chia sẻ ban đầu về các nội dung cuộc họp của Tổ công tác cũng như thống nhất được những khó khăn để tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản.
Theo ông Sinh, khi Tổ công tác tiến hành làm việc với Hà Nội, Tp.HCM và một số doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bước đầu đã nổi cộm lên một số khó khăn, vướng mắc cơ bản mà hầu hết doanh nghiệp gặp phải.
Khó khăn thứ nhất mà doanh nghiệp ý kiến nhiều là vấn đề liên quan đến thể chế như các vướng mắc liên quan đến pháp luật về đất đai như giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu thầu,…
Khó khăn thứ hai là doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng về dự án đô thị. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án.
Khó khăn thứ ba, theo ông Sinh, nguồn lực của doanh nghiệp đang gặp vấn đề. “Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, khó khăn về nguồn vay tín dụng, trái phiếu, đến hạn phải trả các khoản nợ được miễn giảm trước đó”, ông Sinh nói.
Vấn đề thứ 4 được Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu ra là khó khăn trong việc xử lý các thủ tục hành chính tại các cơ quan địa phương. Đây là một trong những vướng mắc mà hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, bước đầu ghi nhận ý kiến trực tiếp từ các doanh nghiệp cũng như các địa phương, Tổ công tác đã phân loại các nhóm khó khăn, vướng mắc. “Chúng tôi tập trung vào những vấn đề cấp bách, vấn đề nào xử lý được luôn thì phải làm ngay”, ông Sinh nói.
Với những vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương thì Tổ công tác sẽ yêu cầu địa phương triển khai, phê duyệt các dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các ý kiến của doanh nghiệp cũng được sàng lọc để gửi về các địa phương xem xét giải quyết, tháo gỡ.
Vướng mắc thuộc thẩm quyền của các Bộ ngành thì cũng được phân loại, như vướng mắc về đất đai thì giao về Bộ TN&MT, hay phát triển nhà ở thì giao bộ Xây dựng…
Với vướng mắc liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác sẽ có báo cáo, từ đó có kiến nghị cụ thể để đề xuất các giải pháp một cách kịp thời.
“Tổ công tác đang tiếp tục triển khai, liên tục đôn đốc các địa phương để tháo gỡ vướng mắc khó khăn, để giúp cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng nay (1/12) với lãnh đạo các Bộ ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thúc đẩy các loại thị trường phát triển an toàn, công khai, minh bạch, lành mạnh và bền vững, nhất là thị trường tín dụng, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản…
Đồng thời, chấn chỉnh những cái sai, những việc làm chưa đúng, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nguyễn Thu Huyền/Người Đưa Tin