Home Xe và công nghệ Công nghệ Quan chức Mỹ muốn Apple và Google cấm TikTok

Quan chức Mỹ muốn Apple và Google cấm TikTok

0

Ủy viên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) Brendan Carr tiếp tục gây áp lực nhằm xóa TikTok khỏi App Store bằng chiến thuật mới là đề xuất Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) thực hiện các hành động chống độc quyền. 

Theo AppleInsider, Brendan Carr, thành viên đảng Cộng hòa, là người trước đây đã thúc giục Apple và Google cấm TikTok. Ông đã viết thư cho CEO Tim Cook và Sundar Pichai vào tháng 6.2022 với nội dung cho rằng TikTok là “một con sói đội lốt cừu”. Giờ đây, ông đã viết thư cho DOJ với lập luận cho rằng sự hiện diện của TikTok trên App Store và Google Play Store sẽ gây ra một vấn đề về chống độc quyền.

Báo cáo cho biết bức thư được ông Carr gửi cho giám đốc chống độc quyền tại DOJ là Jonathan Kanter vào ngày 2/12/2022. Trong nội dung bức thư, ông Car cho rằng bộ phận chống độc quyền của DOJ nên tính đến TikTok trong phạm vi đánh giá tính hợp lý của các hành động phản cạnh tranh từ Apple và Google.

Gần đây, ông Carr cũng đã tuyên bố lệnh cấm TikTok ở Mỹ là không thể tránh khỏi. Mối quan tâm của ông liên quan đến việc Trung Quốc sở hữu dịch vụ truyền thông xã hội này, và không loại trừ khả năng các dữ liệu được chuyển đến chính phủ Trung Quốc.

Phản hồi trước vấn đề này, TikTok trả lời rằng Carr “không có vai trò gì trong các cuộc thảo luận bí mật với chính phủ Mỹ liên quan đến TikTok”. Công ty cũng cho biết ông Carr dường như đang bày tỏ quan điểm độc lập với vai trò là ủy viên của FCC.

Hiện TikTok chưa trả lời nội dung bức thư của Carr gửi DOJ. Trong khi đó, Google, Apple và DOJ đều từ chối đưa ra lời bình luận.

Tiktok đối mặt vụ kiện cấp quốc gia đầu tiên tại Mỹ 

Tổng chưởng lý bang Indiana, Mỹ, đã kiện TikTok với cáo buộc lừa dối người dùng về quyền truy cập dữ liệu và vi phạm an toàn trẻ em, theo Engadget.

Dịch vụ truyền thông xã hội được cho là đã vi phạm luật tiêu dùng của Mỹ khi không cảnh báo rằng dữ liệu nhạy cảm có thể bị lộ, dù chỉ là trên lý thuyết.

Công ty thuộc sở hữu của ByteDance cũng được cho là đã lừa khách hàng bằng cách xếp hạng độ tuổi “12+” cho ứng dụng của mình trên App Store và Google Play, mặc dù trẻ em có thể dễ dàng tìm thấy nội dung liên quan đến ma túy và tình dục trên nền tảng.

Bang Indiana muốn phạt TikTok tới 5.000 USD cho mỗi lần vi phạm. Thống đốc cũng yêu cầu Tòa án cấp cao của tiểu bang ra lệnh chấm dứt các tuyên bố lừa đảo có chủ đích về việc xử lý dữ liệu và ngừng tiếp thị ứng dụng cho thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, có khả năng truy cập dữ liệu không có nghĩa là TikTok lỏng lẻo trong quản lý và các ứng dụng như Facebook và Instagram cũng được xếp hạng 12+. 

Mạng xã hội này đã nhiều lần phủ nhận việc chia sẻ dữ liệu của người dùng Mỹ và đã thực hiện các bước để trấn an các chính trị gia và nhà phê bình, chẳng hạn như chuyển hệ thống lưu trữ dữ liệu của người dùng Mỹ sang Đám mây và đặt trụ sở tại nước này.

Công ty cũng cho biết, có các quy trình phê duyệt và kiểm soát “mạnh mẽ” dành cho nhân viên ByteDance, những người có thể truy cập dữ liệu từ bên ngoài nước Mỹ. 

TikTok cũng đã hạn chế quyền truy cập của thanh thiếu niên vào nội dung dành cho người trưởng thành, bao gồm cả giới hạn độ tuổi đối với một số video.

Vụ kiện đã làm gia tăng những áp lực từ phía Mỹ mà TikTok phải đối mặt trong những tuần gần đây.

Thống đốc bang Maryland đã cấm sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị của chính quyền tiểu bang vì lo ngại về bảo mật, tương tự động thái của bang South Dakota vào cuối tháng 11. 

Han

Link nguồn