Home Chứng khoán Khối ngoại tiếp tục mua ròng, VN-Index tăng nhẹ 2 điểm

Khối ngoại tiếp tục mua ròng, VN-Index tăng nhẹ 2 điểm

0

Sự phân hóa và áp lực chốt lời T+ đã khiến cho VN-Index không thể tiếp tục duy trì được đà phục hồi mạnh và đóng cửa chỉ tăng nhẹ hơn 2 điểm lên 1046.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/1, VN-Index tăng 2,45 điểm (+0,23%) đạt 1.046,35 điểm; HNX-Index tăng 0,5 điểm (+0,23%), đạt 213,06 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 446 mã tăng và 346 mã giảm. Nhóm VN30 (+0,28%) phân hóa mạnh với 13 mã giảm, 13 mã tăng và 4 mã tham chiếu.

Khối lượng giao dịch của VN-Index đạt gần 648 triệu đơn vị, với giá trị hơn 10,5 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 75 triệu đơn vị, với giá trị hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.

Sự hưng phấn từ phiên trước đã giúp thị trường mở cửa với sự tăng điểm nhẹ và duy trì sắc xanh tới hết phiên sáng. Lực cầu tìm đến hầu hết các nhóm ngành giúp hơn 200 mã tăng điểm duy trì sự phục hồi tích cực cho thị trường.

VN-Index tăng phiên thứ 2 liên tiếp. Ảnh minh họa

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường diễn biến khá giằng co trong phiên giao dịch chiều. VN-Index trồi sụt quanh mốc tham chiếu với sự phân hóa của nhóm cổ phiếu Large Cap. Kết phiên, các mã MSN (+3,4%), PLX (+7%) và VPB (+2,2%) là những mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số với 2,6 điểm tăng. Ngược lại, đối trọng là sắc đỏ của các mã VIC (-1,4%), BID (-1%) và VHM (-0,8%) với 1,7 điểm giảm.

HNX-Index cũng có diễn biến giằng co tương tự. Trong đó, IDC (+4,4%), PVS (+2,2%) và CEO (+4,6%) là những mã dẫn đầu nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực đến chỉ số. Ngược lại, PTI (-10%), NVB (-1,5%) và SHB (-2,2%) là những mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số.

Nhóm cổ phiếu dầu khí có giao dịch sôi động, trong đó PVC (+9,4%), PLX (+7%), PVB (+9,3%) tăng trần, các mã khác duy trì mức tăng khá như PVS (+2,2%), BSR (+2,9%), PVD (+3,2%), OIL (+2,5%), PAT (+1,6%)… Ở chiều ngược lại, nhóm ngành nông – lâm – ngư ghi nhận phiên giao dịch kém sắc. Trong đó có BAF (-5,4%), SBT (-5,4%), VHC (-1%), PAN (-0,3%), HNG (-1,1%)…

Sự lạc quan của khối ngoại vẫn tiếp tục được duy trì khi mua ròng tổng cộng 366,52 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó VPB và FUEVFVND là hai mã được mua ròng nhiều nhất với lần lượt 99 tỷ đồng và 39 tỷ đồng. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 43,42 tỷ đồng, trong đó IDC là mã được mua ròng nhiều nhất với 31,9 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 1/2023 phân kỳ so với chỉ số cơ sở VN30 khi giảm trong phiên hôm 4/1, qua đó nới rộng mức chênh lệch âm lên thành 7,45 điểm. Điều này cho thấy là tâm lý của các trader vẫn đang thận trọng đối với đà hồi phục của thị trường.

Các chuyên gia của VCBS nhận định, thị trường hình thành 1 mẫu nến thể hiện sự lưỡng lự khi tiếp cận vùng kháng cực quan trọng 1.050 điểm cũng phần nào cảnh báo áp lực chốt lời từ phe bán đã có dấu hiệu xuất hiện. Do đó, các nhà đầu tư đã có vị thế đẹp từ trước có thể hiện thực hóa lợi nhuận 1 phần và đóng nốt phần vị thế còn lại khi thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều rõ ràng hơn.

Theo SHS, thị trường đã khởi đầu năm 2023 hứng khởi và tích cực, tuy nhiên thị trường sắp bước vào kỳ nghỉ tết âm lịch và thường nhà đầu tư có tâm lý giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở khoảng thời gian nghỉ lễ nên vận động của thị trường giai đoạn hiện tại là khá khó lường. Dù VN-Index bứt phá lên trên đường trung bình động 20 phiên nhưng thị trường vẫn chưa thoát khỏi kênh downtrend trung hạn.

Chuyên gia SHS cho rằng, nhà đầu tư dài hạn hoàn toàn có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn hiện tại để đón đầu giai đoạn mới tích lũy và bùng nổ của thị trường. Hướng giải ngân nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm tới.

Ở giai đoạn hiện tại, trong ngắn hạn các cơ hội giải ngân chưa thực sự rõ ràng, nhưng đối với nhà đầu tư trung, dài hạn thì mặt bằng giá đã ở vùng hấp dẫn để bắt đầu kế hoạch giải ngân mới.

Nguyễn Luận

Link nguồn