Bất động sản là năm 2023 còn kỳ vọng rất lớn vào các chính sách đang được tiếp tục triển khai giúp lấy lại niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư trên thị trường.
Chưa kịp hồi phục sau đại dịch Covid-19, trước ảnh hưởng của một loạt các biến chuyển không lường trước, hoạt động của doanh nghiệp BĐS trong năm 2022 cho đến nay đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Trái ngược với kỳ vọng thị trường BĐS 2022 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hậu covid, hiện thực biến động đã làm nhiều doanh nghiệp BĐS không kịp trở tay”, ông Lưu Quang Tiến, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Bất động sản Đất Xanh Services chia sẻ tại Hội thảo “Báo cáo thị trường BĐS năm 2022, dự báo năm 2023: Tìm cơ hội trong thách thức”.
Nhìn lại 2022, đại diện Đất Xanh cho biết thị trường BĐS Việt Nam có khá nhiều sự kiện nổi bật. Sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4 (cuối năm 2021 – đầu năm 2022), thị trường dần sôi động khi lượng giao dịch và giá một số khu vực không ngừng tăng, dẫn đến tình trạng sốt đất trên diện rộng.
Tiếp đó, việc UBND Tp.HCM hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm là cơ sở để chính quyền đánh giá lại toàn bộ bức tranh thị trường, đồng thời phát triển bất động sản Thủ Thiêm một cách bền vững hơn.
Cùng với đó, chính sách kiểm soát tín dụng và tăng lãi suất cho vay ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư. Công tác thanh kiểm tra và xử lý sai phạm trên diện rộng đối với nhiều doanh nghiệp nhằm lành mạnh hóa thị trường, trong ngắn hạn đã có những tác động rất lớn về đối với tâm lý và niềm tin thị trường.
Đối mặt với hàng loạt khó khăn về thị trường, khách hàng, tính thanh khoản, vốn, trái phiếu…, hàng loạt CĐT và các doanh nghiệp BĐS đã chủ động tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, điều chỉnh chiến lược, điều chỉnh giá sản phẩm, tái cấu trúc danh mục tài sản, bán bớt tài sản để mua lại trái phiếu trước hạn… nhằm đưa công ty về trạng thái an toàn nhất có thể.
Năm 2023 là cơ hội tích lũy để tăng trưởng
Chia sẻ dự báo về diễn biến thị trường bất động sản năm 2023, Tiến sĩ Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng Tập đoàn Đất Xanh Services cho biết thị trường BĐS sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động chung của thế giới: kinh tế thế giới bước vào chu kỳ suy thoái; chu kỳ tăng lãi suất của FED dự kiến đạt đỉnh 5,1%; xung đột Nga – Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng nguy cơ xung đột kéo dài vẫn hiện hữu; động thái mở cửa hậu Covid của Trung Quốc diễn biến chưa mấy khả quan,…
Tuy nhiên, điểm sáng của bất động sản là năm 2023 còn kỳ vọng rất lớn vào các chính sách đang được tiếp tục triển khai.
Điển hình như Nghị quyết 43 (gói 350.000 tỷ ) và Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023 để thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành của nền kinh tế; hỗ trợ người dân thu nhập thấp sở hữu nhà thông qua gói hỗ trợ phục hồi thị trường BĐS (tương tự gói 30.000 tỷ giai đoạn 2013 – 2016).
Đồng thời, việc hoàn thiện hệ thống luật liên quan BĐS (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật quy hoạch đô thị, Luật xây dựng, Luật đấu giá…) sẽ góp phần gỡ điểm nghẽn chồng chéo trong hệ thống pháp luật BĐS.
Dự báo thị trường BĐS 2023, đại diện Đất Xanh Services cho rằng nguồn cung phụ thuộc vào tình hình, phản ứng của thị trường BĐS, chính sách điều hành của Nhà nước. Ở hai thị trường lớn TP.HCM và Hà Nội, nguồn cung tiếp tục suy giảm. Về nguồn cầu, BĐS phục vụ nhu cầu ở thật là điểm sáng của thị trường.
Bên cạnh đó, dự án từ CĐT uy tín với chất lượng tốt, tiện ích đa dạng nhận được sự quan tâm của phần lớn khách hàng. Giá bán dự kiến đi ngang hoặc giảm nhẹ, cùng với việc CĐT ban hành nhiều chính sách kích cầu là điểm tích cực mà khách hàng có ý định mua BĐS có thể xem xét.
“Thị trường BĐS 2023 sẽ là năm của sự tích lũy để tăng trưởng, khi khung pháp lý hoàn chỉnh hơn, các bên tham gia thị trường đều có sự chuẩn bị, giải pháp ứng phó, nhu cầu thị trường vẫn lớn, đa dạng”, ông Khôi chia sẻ.
Trong nguy luôn có cơ
Đồng quan điểm, TS. Trần Minh Hoàng – Phó Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng thị trường BĐS Việt Nam năm 2023 chắc chắn còn đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn có triển vọng.
“Bối cảnh nào cũng thế, trong nguy luôn có cơ, trong thách thức luôn có cơ hội”, ông Hoàng khẳng định.
Năm 2022, niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng đang bị suy giảm nặng nề do chịu tác động từ nhiều phương diện. Ông Hoàng nhấn mạnh niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng chính là phương án mấu chốt để tháo gỡ các nút thắt đã và đang tồn tại trên thị trường BĐS.
Bởi theo vị chuyên gia, nguồn tiền ở trong dân vẫn còn nhiều, nhưng tâm lý lo sợ từ những thông tin xấu như bắt bớ, thị trường suy thoái quá nhiều trong thời gian qua dẫn đến việc người dân “găm” tiền, không đưa tiền vào lưu thông. Thậm chí đến cả khách hàng với nhu cầu ở thực cũng e dè trong việc phải đem tiền đi mua nhà.
Do đó, ông Nam cho rằng, ngoài việc tháo gỡ dần những khó khăn đến từ bản thân thị trường, việc khôi phục niềm tin để nhà đầu tư hiện tại ở lại thị trường và nhà đầu tư tiềm năng sẵn sàng tham gia là việc có ý nghĩa lớn để vực dậy các thị trường ở thời điểm này.
Trước bối cảnh trên, hành động quyết liệt của Nhà nước trong việc bảo vệ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, hỗ trợ phát triển thị trường trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thể chế theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững là một việc làm cần thiết.
Song, ông Hoàng cũng chia sẻ, các chính sách, thông điệp đưa ra nhằm đưa thị trường về trạng thái cân bằng, ổn định. Nhà nước phải tạo ra sân chơi công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp dựa trên khung pháp lý hoàn chỉnh để quản lý hoạt động của các doanh nghiệp trong khuôn khổ nhất định, nhưng không can thiệp quá sâu vào các yếu tố khách quan của nền kinh tế thị trường hay hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.
Nguyễn Thị Hồng Nhung