Home Kinh tế vĩ mô Khánh Hòa: Kỳ vọng từ xuất khẩu tôm hùm và giải pháp...

Khánh Hòa: Kỳ vọng từ xuất khẩu tôm hùm và giải pháp phát triển bền vững

0

Từ khi Trung Quốc mở cửa khẩu, hoạt động xuất khẩu tôm hùm của Khánh Hòa sang thị trường này diễn ra sôi động, mỗi ngày có cả trăm tấn được thu mua.

Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho hay, do gần Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu thụ tăng cao, các doanh nghiệp nhận nhiều đơn đặt hàng từ Trung Quốc, từ đó đẩy mạnh thu mua tôm hùm để cung ứng.

Từ khi Chính phủ Trung Quốc cho phép mở cửa khẩu tại biên giới phía Bắc, hoạt động xuất khẩu tôm hùm của tỉnh Khánh Hòa sang thị trường này diễn ra sôi động, mỗi ngày có cả trăm tấn được thu mua.

Anh Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bình Thơm, chuyên thu mua tôm hùm xuất sang thị trường Trung Quốc, ở Tp. Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết, trước ngày 8/1, khi Trung Quốc chưa mở cửa, việc tiêu thụ tôm hùm diễn ra rất chậm, giá thu mua tại bè chỉ dao động từ 680.000 – 700.000 đồng/kg loại 3 con/kg (tôm xanh). Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, giá tôm thu mua liên tục điều chỉnh tăng.

Kinh tế - Khánh Hòa: Kỳ vọng từ xuất khẩu tôm hùm và giải pháp phát triển bền vững
Nhiều thương lái đẩy mạnh thu mua tôm hùm phục vụ thị trường Trung Quốc. Ảnh: Báo Nông Nghiệp.

Để đáp ứng các đơn hàng từ Trung Quốc, hiện Công ty TNHH Hải sản Bình Thơm đẩy mạnh thu mua tôm hùm cho người nuôi ở khu vực Tp. Cam Ranh. Riêng doanh nghiệp này mỗi ngày thu mua xuất đi từ 5-6 tấn. Cũng theo anh Nguyễn Trọng Bình, qua nắm bắt tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, nơi tập trung chủ lực nuôi tôm hùm, các doanh nghiệp thu mua mỗi ngày xuất đi khoảng 100 tấn.

“Hiện nay việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, trong đó có tôm hùm rất thuận lợi. Phía Trung Quốc cho hàng hóa thông quan bình thường, không kiểm tra cũng như test Covid-19”, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bình Thơm chia sẻ.

Theo Phòng nông nghiệp Tp.Cam Ranh, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi tôm hùm xanh ở tỉnh Khánh Hòa, những ngày này thương lái “nườm nượp” cho tàu ra các đảo Bình Ba, Bình Hưng (xã Cam Bình) thu mua tôm hùm.

Anh Nguyễn Ngọc Huy, người nuôi tôm và cũng là thương lái thu mua tôm hùm ở xã Cam Bình cho biết, riêng ở đảo Bình Ba mỗi ngày hiện có từ 6 – 7 tàu thu mua tôm của người nuôi. Trung bình mỗi ghe thu mua khoảng 1,5 tấn tôm thương phẩm. Tuy nhiên, tại đảo Bình Ba, giá tôm thu mua chỉ 780.000 đồng/kg, thấp hơn ở vùng gần bờ khoảng 20.000 đồng/kg do tính chi phí vận chuyển.

Theo người nuôi tôm hùm ở xã Cam Bình, việc Chính phủ Trung Quốc cho phép mở cửa trở lại nhập khẩu hàng hóa vào dịp này khiến người nuôi tôm hùm rất phấn khởi bởi sản phẩm được đẩy mạnh thu mua và tiêu thụ. Hiện nay, thu mua tôm hùm tại xã Cam Bình phụ thuộc vào thương lái quyết định do nhiều hộ cùng xuất bán đồng loạt một thời điểm. Vì vậy, nhiều người phải đợi thương lái sắp xếp lịch ra bè bắt tôm.

Trao đổi với báo chí cách đây không lâu, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nêu một số giải pháp cho các địa phương (trong đó có tỉnh Khánh Hòa) trong việc phát triển nuôi tôm hùm bền vững. Theo đó, về tổ chức và quản lý sản xuất, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất tôm hùm (vùng sản xuất giống, vùng nuôi thương phẩm) để đưa vào quy hoạch sử dụng đất, mặt nước biển theo quy định. Cùng với đó thực hiện cấp phép nuôi biển và xác nhận đăng ký nuôi lồng, bè theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.
Tổ chức lại nuôi tôm hùm theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Chi hội nghề nghiệp liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Xúc tiến thành lập Hiệp hội của người nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm hùm Việt Nam. Kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất: điều kiện cơ sở nuôi; sản xuất, cung cấp con giống; thức ăn; thuốc, hóa chất; sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và vật tư phục vụ trong nuôi tôm.
Đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống tôm hùm tự nhiên; ban hành các quy định về kích cỡ, nghề khai thác và mùa vụ khai thác tôm hùm giống tự nhiên. Thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của của người dân về bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống tự nhiên. Ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập cơ sở dữ liệu về sản xuất, xuất khẩu tôm hùm.
Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ và khuyến ngư, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần hợp tác với các quốc gia như Úc, New Zealand, Nhật Bản nghiên cứu để chủ động sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Đồng thời tập trung nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm hùm trên bờ sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn, thức ăn công nghiệp…

Minh Hoa (t/h)

Link nguồn