Chuyển hướng sang bất động sản để tối đa hoá lợi nhuận khi thị trường thịt lợn gặp nhiều biến động, Dabaco đã mở ra một lối đi mới cho hành trình kinh doanh sắp tới.
Năm 2022, thị trường thịt lợn Việt Nam đang trở nên sôi động với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới. Tuy nhiên nếu khái quát chung về thị trường với sức tiêu thụ hơn 4 triệu tấn, những cái tên mới như heo ăn chuối, heo ăn chay vẫn còn phải khiêm nhường trước người anh lớn Dabaco của vị đại gia Bắc Ninh Nguyễn Như So.
Tập đoàn Dabaco được thành lập năm 1996 với tiền thân là Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Ninh. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Như So với truyền thông, vào những ngày đầu, tài sản của doanh nghiệp gần như bằng không, hoạt động sản xuất đình trệ. Điều này đã thôi thúc cử nhân kinh tế với hơn 15 năm phục vụ trong quân ngũ Nguyễn Như So quyết tâm tìm ra lối đi mới cho doanh nghiệp, đặt những viên gạch đầu tiên cho những bước tiến của Tập đoàn Dabaco sau này.
Năm 2005, công ty bắt đầu chuyển đổi mô hình hoạt động theo hình thức công ty cổ phần và chính thức bước chân lên sàn HNX với giá tham chiếu là 24.200 đồng/cổ phiếu. Ngay sau khi niêm yết, Dabaco đã liên tiếp tăng vốn điều lệ, từ 254 tỷ đồng vào năm 2009 đến 627 tỷ đồng vào năm 2013.
Từ đó đến nay, doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Như So đã 4 lần tăng vốn điều lệ, trong đó đáng chú ý nhất vào tháng 4/2022, Dabaco đã tăng quy mô vốn điều lệ gấp đôi, đạt 2.304 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, chỉ 3 tháng sau Dabaco đã tiếp tục tăng vốn lên 2.420 tỷ đồng.
Đại gia thịt lợn kinh doanh bất động sản
Bên cạnh ngành nghề chính trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và chế biến thịt động vật, trong những năm gần đây, Tập đoàn của vị đại gia thịt lợn Bắc Ninh đang có xu hướng đẩy mạnh phát triển thêm bên mảng bất động sản.
Bất động sản không phải là lĩnh vực mới với Dabaco. Năm 2010, công ty đã ghi dấu những bước đầu tiên trong lĩnh vực bất động sản với sự thành lập Công ty TNHH Bất động sản Dabaco (Dabaco Land) với vốn điều lệ 70 tỷ đồng. Sau khi thành lập, Dabaco Land đã liên tiếp triển khai một loạt dự án và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp tại Bắc Ninh. Tuy nhiên, dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng đến năm 2017, công ty mẹ Dabaco đã phải bán đi đứa con Dabaco Land trước bối cảnh biến động, lỗ lớn do giá thịt lợn giảm.
Tuy nhiên, mặc dù bán đi Dabaco Land nhưng ông lớn ngành thịt lợn chưa từng xao nhãng mảng kinh doanh “đẻ trứng vàng” này. Trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2020 – 2025, Dabaco xác định sẽ mở rộng các cơ hội trong lĩnh vực khác, chủ yếu là đầu tư bất động sản nhằm tối đa hóa lợi ích cho Công ty.
Trong đó, đối với lĩnh vực đầu tư và xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 tòa nhà cao tầng gồm Lotus Central 15 tầng và tòa nhà 29 tầng tại đường Huyền Quang (tỉnh Bắc Ninh), đồng thời hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp dịch vụ và làng nghề Khúc Xuyên (tỉnh Bắc Ninh). Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh triển khai dự án BT tuyến đường H2 và các dự án đối ứng, dự án khu nhà ở xã hội tại phường Khắc Niệm, khu nhà ở thị trấn Hồ.
9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của công ty đạt gần 9.637 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu từ kinh doanh bất động sản, hoạt động xây dựng đạt 843,5 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với số đầu kỳ.
Theo thông tin từ công ty, hiện Dabaco đang nắm giữ trong tay 7 dự án bất động sản, bao gồm: Dự án KĐT Đền Đô, KĐT phía Tây thị trấn Hồ, KĐT Dabaco Vạn An, khu nhà ở Thiền Quang 1 và 2, dự án Lotus Central Bắc Ninh và dự án căn hộ Parkview City Bắc Ninh.
Kinh doanh trong thế khó của ngành nông nghiệp
Về tình hình kinh doanh của Dabaco, năm 2017, trước những khó khăn của ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi lợn do giá thực phẩm giảm sâu trong thời gian dài đã tác động đến tình hình kinh doanh của công ty. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty năm 2017 đạt 5.855 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 200 tỷ đồng, giảm sâu hơn 59% so với cùng kỳ.
Từ năm 2018 đến 2020, doanh nghiệp ghi nhận nhiều tín hiệu tăng trưởng đột biến trong kinh doanh với đỉnh doanh thu và lợi nhuận ghi nhận tại năm 2020 lần lượt đạt 10.021 tỷ đồng và 1.400 tỷ đồng.
Bước sang năm 2019, một lần nữa DBC lại rơi vào thế khó khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Ổ dịch đầu tiên phát hiện tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình từ đầu tháng 2/2019, sau đó lan rộng ra cả nước, khiến 3 quý đầu năm 2019, doanh thu của Công ty giảm tới 87% so với cùng kỳ 2018, đồng thời lãi ròng cũng giảm 81% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco, với tình hình dịch bệnh như trên, doanh nghiệp chăn nuôi không lỗ đã là may mắn.
Năm 2018, Dabaco đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi khi thịt lợn dần ổn định sau thời gian giảm sâu thì bước sang năm 2019, công ty phải đối mặt đến từ dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh lan rộng trên cả nước đã khiến tình hình sản xuất kinh doanh của ông lớn ngành thịt lợn lao đao. Minh chứng là 3 quý đầu năm 2019, doanh thu của Dabaco giảm tới gần 90% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng mừng là sau khi dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, việc nguồn cung sụt giảm mạnh, đẩy giá thịt lợn lên cao, giúp các doanh nghiệp chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm liên quan tới chăn nuôi lợn như Dabaco được hưởng lợi.
Giá thịt lợn phi mã vào cuối năm 2019 đã đem lại khoản doanh thu hơn 2.084 tỷ đồng vào quý IV/2019, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp vì thế cũng tăng 55% so với cùng kỳ, đạt hơn 489 tỷ đồng.
Tiến tới năm 2020, đây là năm ghi dấu mốc lịch sử khi tập đoàn khi lần đầu đạt doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao kỷ lục, được đóng góp 88% từ thành phẩm sản xuất, chiếm trên 88%.
Sang năm 2021, doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, điều này đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Cụ thể, doanh thu thuần Dabaco trong năm 2021 là 10.812 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 829 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu thuần trong quý III/2022 của công ty đạt 3.567 tỷ đồng, tăng 33%. Sau khi trừ các chi phí, Dabaco báo lãi 206 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của công ty đạt gần 9.637 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bán thành phẩm sản xuất đóng góp phần lớn cho cơ cấu doanh thu của Dabaco với 8.374 tỷ đồng, chiếm 86,8%. Đáng chú ý, doanh thu từ kinh doanh bất động sản, hoạt động xây dựng đạt 843,5 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với số đầu kỳ.
Theo nhận định từ phía công ty, ngành thức ăn chăn nuôi đang chịu ảnh hưởng do chi phí đầu vào, giá nguyên, nhiên vật liệu và chi phí vận chuyển, logistic tăng cao. Công ty đánh giá, ngành chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Thực tế, giá thịt lợn hơi các tháng cuối năm đã liên tục giảm sâu trên toàn quốc sau đợt tăng mạnh vào cuối tháng 7 vừa qua.
Ánh sáng của ngành chăn nuôi trong năm 2023
Theo dự báo từ Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ giảm bớt trong năm 2023, giá thịt lợn được kỳ vọng tăng 5% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung khi hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá heo giảm trong thời gian gần đây trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
Phía VNDirect cho rằng giá hàng hóa có khả năng giảm trong 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung, ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này, và giá phân bón hạ nhiệt, góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng.
Theo quan điểm của các chuyên gia VNDirect, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần vào năm 2023.
Tại một diễn biến khác, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam dự báo giá thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong quý I năm sau sẽ phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng mùa vụ tại các quốc gia cung ứng hàng đầu như Brazil và Argentina.
Còn trong những ngày cuối năm nay, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá thịt hơi thành phẩm đầu ra vẫn biến động thất thường khiến các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chỉ thận trọng trong việc tái đàn. Điều này sẽ khiến ngành chăn nuôi trước dịp Tết Nguyên Đán nhiều khả năng vẫn sẽ tương đối trầm lặng.
Nguyễn Phương Anh