Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Trung Quốc mở cửa, ngành nào hưởng lợi nhất?

Trung Quốc mở cửa, ngành nào hưởng lợi nhất?

0

Nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực được dự báo sẽ hưởng lợi từ việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế.

Sau gần 3 năm áp dụng chính sách “Zero-Covid”, theo South China Morning Post (SCMP) kể từ 8/1/2023, Chính quyền Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19,

Động thái này Trung Quốc chính là điểm sáng có thể thúc đẩy sự hồi phục của nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á. Nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực cũng được dự báo sẽ hưởng lợi từ việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, khi Trung Quốc mở cửa giá cả năng lượng toàn cầu tăng 20% khi mức tiêu thụ của Trung Quốc tăng lên (có thể tác động tiêu cực lên tỉ lệ lạm phát của Mỹ và Châu Âu).

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Trung Quốc cung cấp từ 40% tới 80% các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề khác nhau của Việt Nam. Do đó, khi mở cửa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất với giá thành rẻ hơn so với quốc tế. 

Đồng thời, mở cửa cũng sẽ giúp hàng hóa, kể cả nông sản lẫn sản phẩm công nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu tương đối mạnh mẽ sang phía Trung Quốc. Việc xuất nhập khẩu thuận lợi hơn sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, vận chuyển, logistics, từ đó tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và giảm áp lực về lạm phát. 

Theo đó, các ngành sẽ hưởng lợi chính từ câu chuyện mở cửa nền kinh tế Trung Quốc bao gồm du lịch, hàng không, nông sản, thuỷ sản, dệt may, dầu khí,… Ngược lại, ngành phân bón được dự báo sẽ không mấy khả quan trong năm 2023.

Du lịch, hàng không khởi sắc

Riêng đối với ngành du lịch, ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho biết, trước đây lượng khách Trung Quốc chiếm trên 50% tỷ trọng khách quốc tế vào miền Trung, cũng như vào Quảng Nam. Đây là thị trường trọng điểm mà các tỉnh du lịch nơi đây rất đón chờ. 

Tuy nhiên, ông cũng quan ngại bởi hiện nay tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm nhiều chủng loại mới, do đó theo ông Thuỷ, vấn đề về an toàn cho người dân cũng như an toàn cho các cơ sở phục vụ sẽ được đặt lên hàng đầu và phải có các phương án để dự phòng, có kịch bản rõ ràng trong việc triển khai biện pháp phòng dịch.

Trong bối cảnh thực tiễn Việt Nam đã có kinh nghiệm chống dịch và tỉ lệ bao phủ vắc-xin toàn dân rất lớn, ông Thuỷ cảm thấy đã sẵn sàng để đón khách không chỉ từ Trung Quốc mà bất cứ quốc gia nào khác. 

Chứng khoán BSC cũng cho hay, 9 tháng đầu năm 2022, với chính sách đóng cửa biên giới của Trung Quốc, số lượng khách du lịch suy yếu và giảm xuống chỉ còn chiếm 3% trong tổng số lượng khách du lịch đến Việt Nam, trong khi tỉ lệ này trung bình đạt 29,9% trong giai đoạn 2015-2021.

Vì vậy, BSC kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại Việt Nam sẽ giúp gia tăng tốc độ hồi phục của ngành dịch vụ lữ hành trong năm 2022 và 2023.

Kinh tế vĩ mô - Trung Quốc mở cửa, ngành nào hưởng lợi nhất?
Lượt khách du lịch và tỉ trọng khách Trung Quốc (Nguồn: Tổng cục thống kê, VDSC).

Theo Savills Việt Nam, việc khôi phục đường bay giữa Trung Quốc và Việt Nam được xem là một tín hiệu tích cực, giúp đẩy nhanh quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam. Theo BSC thống kê, sản lượng khách du kịch đến từ Trung Quốc hiện chiếm 32% tổng sản lượng khách quốc tế trước dịch, do đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh cho triển vọng hồi phục của hàng không quốc tế Việt Nam và du lịch.

Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, tần suất các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ phục hồi trong thời gian tới, theo đó ước tính lượng khách quốc tế đi/đến của thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục lên đến 60% – 80% so với trước đại dịch, thời điểm lượng khách quốc tế Trung Quốc phục hồi mạnh sẽ rơi vào thời điểm quý II, III của năm 2023.

Nông sản, lương thực được “khai thông”

Theo nhận định của các chuyên gia đến từ chứng khoán VNDirect, sự kiện Trung Quốc mở cửa nền kinh tế có thể tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của nhóm ngành lượng thực và chăn nuôi nhờ xu hướng giảm của chi phí vận chuyển khi vấn đề tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc được giải quyết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phục hồi đáng kể khi nhu cầu phục hồi, đặc biệt là nhóm xuất khẩu lúa gạo khi đây là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 tại Việt Nam với 14% thị phần về giá trị trong 9 tháng đầu năm 2022.

Kinh tế vĩ mô - Trung Quốc mở cửa, ngành nào hưởng lợi nhất? (Hình 2).
Mặt hàng sầu riêng được kỳ vọng đem lại nguồn thu hàng tỉ USD cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh trong lần trả lời báo chí, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng, tiềm năng với 1,4 tỷ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tại thị trường này không chỉ thuỷ sản mà nông sản cũng tăng rất mạnh bất chấp những khó khăn đến từ dịch bệnh Covid-19.

Trung Quốc mở cửa trở lại đường biên giới từ ngày 8/1 và dỡ bỏ cách ly sau khi hạ mức độ kiểm soát Covid-19 là tín hiệu tốt cho giao thương giữa cả 2 bên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam khẳng định.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam là rất lớn. Vậy nên sự kiện mở cửa sẽ là cú hích, cơ hội để nông sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này. Theo dự báo từ phía Hiệp hội rau quả Việt Nam, thời gian tới kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng mạnh. 

Chính vì vậy, ông Bình cho rằng, doanh nghiệp nếu muốn tận dụng thời cơ xuất khẩu thì phải đảm bảo sản xuất đầu ra phù hợp với yêu cầu và quy định từ phía Trung Quốc. Đặc biệt phải lưu ý đến các quy định về kiểm dịch thực vật an toàn thực phẩm, mã vùng sản xuất.

Từ đó, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam kiến nghị cần có những chính sách rộng mở để việc thông qua được diễn ra nhanh chóng, không bị ùn ứ để doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiết kiệm thời gian.

Thuỷ sản trở lại “vùng đất” tiêu thụ

Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệp xuất khẩu đông đảo nhất. Năm 2022, có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng xuất khẩu cá tra.

Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 636 triệu USD tăng 81% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu sang Hồng Kông – Trung Quốc đạt gần 38 triệu USD, tăng 46%. 

Kinh tế vĩ mô - Trung Quốc mở cửa, ngành nào hưởng lợi nhất? (Hình 3).
Cá tra Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc qua 24 cảng, cửa khẩu. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Quảng Đông, chiếm 29-30%, Thiên Tân khoảng 12%, Sơn Đông 12%, Thượng Hải 11%…

Báo cáo ngành hàng cá tra Việt Nam của Vasep đã nhận định, Trung Quốc chắc chắn sẽ là kỳ vọng lớn nhất với ngành cá tra trong năm 2023. Bởi khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn quy định kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ với hàng nhập khẩu, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản của thị trường này.

Chứng khoán VNDirect cũng đồng quan điểm, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu toàn ngành trong năm 2023. Tuy bị hạn chế nhiều trong nửa đầu năm 2022 nhưng thị trường Trung Quốc vẫn là trụ cột cho ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa sẽ là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong năm 2023 của ngành này.

Cung, cầu dệt may tăng trưởng

Theo VNDirect, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu xơ, sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Do đó, mặc dù không nằm trong nhóm hưởng lợi cao, nhưng việc nước này mở cửa sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu và khôi phục lại nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam.

Thêm vào đó, nhóm phân tích cũng dự báo lạm phát tại Mỹ, thị trường chiếm 39% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, sẽ giảm về mức khoảng 2-4% trong năm 2023 cũng sẽ là yếu tố phục hồi cho ngành dệt may, đặc biệt là mảng sợi.

Kinh tế vĩ mô - Trung Quốc mở cửa, ngành nào hưởng lợi nhất? (Hình 4).
Xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại (Nguồn: Tổng cục thống kê, Agriseco research).

Tương tự, bộ phận phân tích của Chứng khoán Agriseco cũng cho rằng Trung Quốc mở cửa có thể giúp khôi phục lại nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam.

Tỉ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc đang có xu hướng tăng lên và chiếm khoảng 50% trong 11 tháng đầu năm 2022.

Trong năm vừa qua, có những thời điểm các doanh nghiệp may mặc Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu do Trung Quốc phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp các doanh nghiệp may mặc tiếp cận được với nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may dễ dàng hơn và với chi phí tối ưu hơn.

Giá dầu hồi phục

Theo Agriseco, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chiếm hơn 22% tổng lượng dầu nhập khẩu toàn cầu. Nhu cầu năng lượng (xăng, dầu) dự báo sẽ trở lại mức bình thường trong khi các hoạt động giao thông, thương mại của Trung Quốc hồi phục hoàn toàn.

Theo dự báo của các tổ chức kinh tế, giá dầu trong ngắn hạn có thể biến động nhưng trong năm 2023 dự kiến trung bình ở mức 96 USD/thùng, cao hơn 15% so với hiện tại. Tuy nhiên, giá xăng dầu là yếu tố bất định do đó sự thay đổi giá nhiên liệu cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như suy thoái kinh tế, cuộc xung đột chính trị, EU áp giá trần dầu Nga,…

Giá xăng dầu tăng có thể gây áp lực lạm phát toàn cầu. Bloomberg ước tính khi Trung Quốc mở cửa sẽ khiến giá năng lượng tăng 20% và CPI Mỹ tăng 5,7% vào cuối năm. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên giá xăng dầu tăng sẽ gây sức ép tăng lạm phát, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng khi giá nhiên liệu tăng do xăng, dầu chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô - Trung Quốc mở cửa, ngành nào hưởng lợi nhất? (Hình 5).
Mức tiêu thụ của Trung Quốc ( triệu thùng/ngày) (Nguồn: EIA, VDSC).

“Hàng hoá được hưởng lợi rõ rệt nhất từ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc là dầu thô, nhờ sự phục hồi của nhu cầu đi lại và du lịch. Ở mức giá dầu Brent hiện tại là 80$/thùng, theo đánh giá của Goldman Sachs, mức giá này phản ánh nguồn cung dầu đi ngang của Nga trong khi nhu cầu dầu của Trung Quốc thấp hơn 0,5 triệu thùng/ngày so với nhu cầu dự kiến khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại. Đây là một biến số quan trọng đối với diễn biến lạm phát Việt Nam năm 2023”, Chứng khoán Rồng Việt nhận định trong Báo cáo chiến lược 2023.

IEA nhận thấy nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi vào năm tới sau khi giảm 0,4 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Cụ thể, nhu cầu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 0,81 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

Giá phân bón hạ nhiệt

Các chuyên gia từ Chứng khoán Agriseco cho hay, giá Urê thế giới đã bắt đầu hạ nhiệt kể từ giữa năm 2022 trở lại đây. Mặc dù vậy, giá Urê vẫn đang neo ở mức khá cao so với trước đại dịch Covid-19 do Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu Urê từ tháng 3/2021; Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với Urê kể từ tháng 7/2022. Giá Urê tăng mạnh và neo ở mức cao đã giúp các doanh nghiệp như DPM và DCM có kết quả kinh doanh tăng trưởng kỷ lục trong năm 2022.

Kinh tế vĩ mô - Trung Quốc mở cửa, ngành nào hưởng lợi nhất? (Hình 6).
Giá trị xuất khẩu phân Ure của Trung Quốc (Nguồn: Agriseco research, ITC).

Đội ngũ phân tích của VNDirect cũng nhận thấy, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ 2 thế giới (chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu). Do đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ cung cấp một lượng cung lớn ra thị trường. Từ đó sẽ làm giá phân bón tiếp tục xu hướng giảm giá.

Hơn thế nữa, xu hướng giảm này còn gia tăng do Nga (nước xuất khẩu lớn nhất với tỉ trọng khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu) sẽ mở kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2023. Như vậy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón có thể sẽ đi lùi trong năm 2023 do giá phân bón tiếp tục hạ nhiệt và sự suy giảm từ hoạt động xuất khẩu.

Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội

Theo các chuyên gia, khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại thì động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất lớn, không chỉ tác động nhiều đến năng lực sản xuất kinh doanh mà còn cải thiện khả năng thực hiện của các doanh nghiệp sản xuất.

Mặt khác, tình trạng lạm phát cao nhất ở Mỹ và các nước châu Âu có thể đã qua với mức độ giảm dần, giúp tình hình thương mại quốc tế sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, TS. Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Chứng khoán Smart Invest (AAS) nhận định, quá trình mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc sẽ không thể diễn ra nhanh mà cần có sự chuẩn bị nên các doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội và phải có sự chuẩn bị từ nhân sự, nguồn lực cho đến đối tác.

TS. Trần Minh Tuấn dự báo, ít nhất sang đến quý II/2023, Trung Quốc mới có thể mở cửa hoàn toàn để hòa nhập chung với nền kinh tế thế giới.

Hồng Nhung – Phương Anh

Link nguồn