Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Đằng sau công ty bán khống khiến tỷ phú giàu nhất châu...

Đằng sau công ty bán khống khiến tỷ phú giàu nhất châu Á lao đao

0

Đế chế của tỷ phú giàu nhất châu Á Gautam Adani đã rơi vào khủng hoảng trước những cáo buộc gian lận từ Hindenburg, một công ty “bán khống” có trụ sở tại Mỹ.

Hindenburg đã trở thành tâm điểm của báo giới những ngày vừa qua, sau khi cáo buộc tập đoàn Ấn Độ Adani Group về “một âm mưu gian lận kế toán và thao túng chứng khoán trắng trợn”. Tổ chức này trích dẫn một nghiên cứu dài hơn 100 trang được thực hiện trong vòng 2 năm với nhiều cuộc nói chuyện với các cựu giám đốc điều hành cấp cao của Adani và hàng ngàn tài liệu được xem xét.

Tập đoàn Adani đã tung một bài phản biện dài 413 trang, chỉ trích các cáo buộc, gọi chúng là “sự kết hợp ác ý giữa thông tin sai lệch có chọn lọc và những cáo buộc cũ rích, vô căn cứ và mất uy tín đã được các tòa án cấp cao nhất của Ấn Độ kiểm tra và bác bỏ”.

Những cáo buộc gay gắt của Hindenburg vẫn chưa được chứng minh, nhưng đã khiến tài sản của người sáng lập Tập đoàn Adani – Gautam Adani rớt khỏi top 20 người giàu nhất thế giới. Tính đến ngày 5/2/2023, ông Adani ở vị trí thứ 21 trên danh sách tỷ phú của Bloomberg với khối tài sản ròng trị giá 59 tỷ USD, giảm 68 tỷ so với 124 tỷ ngày 17/1.

Các công ty Adani niêm yết hiện có tổng giá trị thị trường là 108 tỷ USD, giảm 110 tỷ USD so với trước khi bị Hindenburg tố cáo.

Thế giới - Đằng sau công ty bán khống khiến tỷ phú giàu nhất châu Á lao đao
Ông Gautam Adani từng là một trong những người đàn ông giàu nhất châu Á và có thời điểm chỉ đứng sau tỷ phú Elon Musk trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới. Ảnh: DW

Nhà bán khống từ Connecticut

Hindenburg tự mô tả mình là một công ty nghiên cứu tài chính pháp lý và là “nhà hoạt động bán khống”. Công ty tập trung vào việc phân tích các bất thường về kế toán, những lỗ hổng quản lý, những giao dịch không được tiết lộ, hoạt động kinh doanh hoặc báo cáo tài chính bất hợp pháp/phi đạo đức, v.v.

Tên của công ty được lấy cảm hứng từ chiếc khinh khí cầu của Đức phát nổ ở New Jersey vào năm 1937, khiến 36 hành khách thiệt mạng. 

“Chúng tôi xem Hindenburg là hình ảnh thu nhỏ của một thảm họa nhân tạo, hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Chúng tôi tìm kiếm những thảm họa nhân tạo tương tự trên thị trường và cố gắng giải quyết chúng trước khi chúng tổn thương thêm những nạn nhân nhẹ dạ”, trang web của công ty cho hay.

Hindenburg hiện chỉ có khoảng 10 thành viên, bao gồm các cựu nhà báo và nhà phân tích tài chính. Công ty được thành lập năm 2017 bởi Nate Anderson, một nhà phân tích đầu tư – tài chính tốt nghiệp Đại học Connecticut với bằng kinh doanh quốc tế.

Nathan Anderson từng làm tài xế xe cứu thương ở Israel một thời gian trước khi bắt đầu sự nghiệp tài chính tại công ty dữ liệu FactSet Research Systems, nơi ông làm việc với các công ty quản lý đầu tư.

Năm 2010, ông rời FactSet để phát triển các chiến lược đầu tư vào các công ty nhỏ – những công ty đầu tư vào một phân khúc cụ thể như tài chính doanh nghiệp và các gia đình giàu có. Mãi đến năm 2017, ông mới thành lập Hindenburg Research.

Hình mẫu tuyệt vời của ông là Harry Markopolos, một nhà quản lý chứng khoán được coi là một trong những nhà điều tra gian lận tài chính thành công nhất nước Mỹ. Makropolos đã làm nên tên tuổi của mình với nghiên cứu năm 2018 về Bernie Madoff, kẻ chủ mưu vụ lừa đảo tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ cho đến ngày nay.

Thế giới - Đằng sau công ty bán khống khiến tỷ phú giàu nhất châu Á lao đao (Hình 2).
Nate Anderson thành lập Hindenburg vào năm 2017. Ảnh: NY Times

Tỉ lệ “sát thương” ấn tượng

Trong những năm gần đây, Hindenburg đã công bố hàng chục báo cáo điều tra nhắm vào nhiều công ty khác nhau. Theo trang web của Hindenburg, trong ít nhất 16 trường hợp, những phát hiện của họ đã dẫn đến các cuộc điều tra pháp lý, thậm chí là tuyên án hình sự.

Hindenburg nổi tiếng với vụ cá cược chống lại nhà sản xuất xe tải điện Nikola. Tháng 9/2020, công ty này cáo buộc rằng tập đoàn Nikola “được xây dựng dựa trên hàng chục lời nói dối trong suốt sự nghiệp của người sáng lập và Chủ tịch điều hành Trevor Milton”.

Trong báo cáo của mình, nhà nghiên cứu tài chính Anderson tuyên bố rằng Nikola đã dàn dựng một video có tên “Nikola One in Motion” cho thấy chiếc xe bán tải đang chạy trên đường với tốc độ cao. Tuy nhiên, thực tế là chiếc xe tải đang lăn xuống một ngọn đồi chứ không tự di chuyển. Chủ tịch Nikola Trevor Milton ngay lập tức từ chức.10 tháng sau, ông Milton bị các công tố viên liên bang New York truy tố 4 tội gian lận chứng khoán.

Cổ phiếu của Nikola giảm 94%. Cuối năm 2021, Nikola đã đồng ý trả 125 triệu USD để giải quyết các cáo buộc của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) rằng họ đã lừa gạt các nhà đầu tư về các sản phẩm, tiến bộ kỹ thuật và triển vọng thương mại của mình.

Tháng 5/2020: Hindenburg cũng cáo buộc China Metal Resources Utilization (CMRU) là “công ty zombie” với 100% rủi ro. Hindenburg đã cho thấy công ty Trung Quốc này đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng như thế nào và xác định được nhiều sai phạm kế toán, bao gồm cả bằng chứng về các giao dịch với bên liên quan không được tiết lộ.

Nhiều tháng sau báo cáo của Hindenburg, Ernst & Young đã rút khỏi vị trí kiểm toán viên sau khi từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán khi xác định các vấn đề kế toán và các giao dịch bên liên quan không được tiết lộ. Cổ phiếu của CMRU đã giảm hơn 90%.

Tháng 6/2020, Hindenburg tuyên bố rằng cổ phiếu của Genius Brands, một công ty sản xuất TV, đã được định giá quá cao và sẽ chỉ còn 1,5 USD “trong vòng một tháng”.

“Bản thân công ty dường như đồng ý với chúng tôi, tin rằng cổ phiếu của họ trị giá từ 0,35 đến 1,20 USD một cổ phiếu, thấp hơn 83% -95% so với mức hiện tại, dựa trên 3 vòng cấp vốn mà công ty đã hoàn thành ở mức giá đó chỉ trong tháng trước” Hindenburg Research cho biết. Dự đoán của Hindenburg đã trở thành sự thật và giá cổ phiếu của công ty Genius Brands giảm xuống còn khoảng 1,5 USD vào cuối tháng 7/2020.

Động cơ trục lợi?

Hindenburg tự định vị là một công ty bán khống. Nói một cách đơn giản, một nhà bán khống thường suy đoán về khả năng sụt giảm giá cổ phiếu của một công ty, sau đó vay cổ phiếu và bán lại trên thị trường rồi mua lại khi giá giảm. Người bán khống về cơ bản không sở hữu cổ phiếu mà họ đang bán và đặt cược vào việc giảm giá trong tương lai, do đó họ phải chấp nhận rủi ro.

Các nhà đầu tư có ý định bán khống một cổ phiếu thường phải vay nó từ một đại lý hoặc công ty môi giới, do đó, họ phải mua lại cổ phiếu để trả lại, kể cả khi họ không kiếm được lợi nhuận. Lợi nhuận của nhà bán khống chính là số tiền còn lại sau khi mua lại cổ phiếu. Nếu giá cổ phiếu mà họ đặt cược tăng lên, họ sẽ bị lỗ.

Thế giới - Đằng sau công ty bán khống khiến tỷ phú giàu nhất châu Á lao đao (Hình 3).
Giá cổ phiếu của công ty Adani Enterprises (tính theo đồng rupee) tăng vọt năm 2022 nhưng bắt đầu lao dốc từ cuối tháng 1/2023. Các công ty thuộc tập đoàn Adani đã thua lỗ 110 tỷ USD kể từ sau cáo buộc của công ty Hindenburg. Ảnh: Yahoo!News

Những nhà hoạt động bán khống như Hindenburg thường đảm nhận vị thế bán khống trong một công ty có thể giao dịch mà họ tin rằng được định giá quá cao trước khi công bố báo cáo của họ ra công chúng, với kỳ vọng rằng các nhà đầu tư sau đó sẽ hạ giá mục tiêu của họ.

Khi đưa ra những cáo buộc về tập đoàn Adani, Hindenburg cho biết họ đã có một “vị thế bán khống trong các công ty thuộc tập đoàn Adani” thông qua trái phiếu giao dịch ở Mỹ và các khoản đầu tư khác bên ngoài Ấn Độ.

Tập đoàn Adani đã chỉ trích động cơ trục lợi của Hindenburg bằng cái giá phải trả của tập đoàn. “Các cáo buộc và lời nói bóng gió, được trình bày như thể sự thật, đã lan nhanh như lửa, quét sạch một lượng lớn tài sản của nhà đầu tư và mang lại lợi nhuận cho Hindenburg”, tập đoàn Adani cho biết trong một bài phản bác được công bố ngày 29/1.

Hindenburg thừa nhận họ sẽ thu về lợi nhuận, nhưng phủ nhận mọi hành vi sai trái. Công ty này khẳng định báo cáo của họ là đúng sự thật và là kết quả của cuộc điều tra kéo dài 2 năm, bao gồm các chuyến thăm đến một số quốc gia khác ngoài Ấn Độ..

Nguyễn Tuyết (T/h)

Link nguồn