Áp lực bán được ghi nhận ngay từ đầu phiên sáng và gia tăng mạnh trong phiên chiều khiến VN-Index giảm gần 12 điểm. Tuy nhiên, cầu bắt đáy về cuối phiên đã giúp cho mức giảm bị thu hẹp một phần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/2, VN-Index giảm 11,6 điểm (-1,1%) xuống 1.043,7 điểm; HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,92%) xuống 204,49 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 700 mã giảm và 185 mã tăng. Trong nhóm VN30 (-0,8%), sắc đỏ cũng áp đảo với 21 mã giảm, 8 mã tăng và 1 mã tham chiếu.
Tổng thanh khoản của thị trường tính đến hết phiên giao dịch đạt 10 nghìn tỷ, trong đó thanh khoản bán chủ động lên đến 85.6%
cho thấy các nhà đầu tư khá bi quan về thị trường trong ngắn hạn. Cụ thể, khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 681 triệu đơn vị, với giá trị hơn 10,4 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 82,7 triệu đơn vị, với giá trị hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.
Áp lực đè nặng lên thị trường ngay từ khi mở cửa phiên đầu tuần với việc thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng và chiếm đến gần 80% tổng thanh khoản thị trường sau hơn 1 giờ giao dịch.
Theo dữ liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên VN-Index là VCB (-1,1%) giảm 1,185 điểm, VHM (-2,2%) giảm 1,091 điểm, VPB (-2,9%) giảm 0,845 điểm. Ngược lại, BID (+3,4%), MSN (+1,9%) và SAB (+1,3%) là những mã đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho chỉ số.
HNX-Index cũng chìm trong sắc đỏ trước sức ép từ các trụ cột trong chỉ số như SHS (-5,9%), CEO (-8,5%), HUT (-5%)…
Nhóm chế biến thủy sản ghi nhận ACL, ANV, IDI, VHC giảm sàn , AAM mất 3%, MPC giảm 1,7% lùi về mức giá 17,600 đồng/cp, FMC lùi nhẹ 0,8%; tại nhóm chứng khoán sắc đỏ cũng áp đảo với 23/25 mã giảm cùng nhiều mã giảm sâu như VND (-3,9%), HCM (-4,2%), FTS (-4,9%), BSI (-5,1%)… Đây là 2 nhóm ngành giảm mạnh nhất trong phiên giao dịch hôm qua.
Áp lực điều chỉnh cũng ghi nhận tại nhiều nhóm ngành chính của thị trường như bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, vật liệu xây dựng…
Trong khi đó, khối ngoại bán ròng tổng cộng 80,2 tỷ đồng trên sàn HOSE. Cụ thể, KDH (48 tỷ), MSN (20 tỷ) và BID (19 tỷ) là những mã bị bán ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 16,16 tỷ đồng, trong đó CEO là mã được mua ròng nhiều nhất với giá trị 6,6 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2023 giảm nhẹ hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức chênh lệch âm xuống còn 1,8 điểm. Điều này cho thấy là tâm lý của các trader đang trở nên bớt tiêu cực hơn về xu hướng thị trường trong ngắn hạn.
Chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng, giai đoạn này chỉ thích hợp với các nhà đầu tư ưa thích hoạt động trading ngắn và có khẩu vị rủi ro cao. Các vùng điểm có thể xem xét mở các vị thế mua trading nhà đầu tư có thể tham khảo tại vùng 1027-1034 điểm và 995-1010 điểm. Đối với mặt bằng chung các nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài quan sát thị trường.
Các chuyên gia của VCBS cũng khuyến nghị, nhà đầu tư nên chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt, tạm thời đứng ngoài quan sát thị trường thay vì việc giải ngân bắt đáy sớm.
Nguyễn Luận
Link nguồn