Trải qua những khó khăn chưa từng có, ngành gỗ năm 2022 vẫn ghi nhận những động lực tăng trưởng tích cực, một doanh nghiệp đã chạm mốc lợi nhuận kỷ lục.
Nhìn lại ngành gỗ năm 2022, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ sản xuất phát triển Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Chưa bao giờ ngành gỗ là khó khăn như như năm 2022. Bởi vì trước đó các năm đều tăng trưởng 2 con số, thậm chí 20% như năm 2021.
Thời điểm đầu năm 2022, toàn ngành đang trong đà tăng trưởng và khi đó mục tiêu của Bộ NN&PTNT đặt ra là 16,3%. Nhiều người cho rằng đây là mục tiêu hơi thấp”.
Tuy nhiên, xung đột Nga -Ukraine đã gây ra sự đảo chiều, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, kéo theo đó là lạm phát. Vì vậy, bắt đầu từ tháng 6 các đơn hàng xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã giảm dần. Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đã chịu ảnh hưởng từ sự điều phối chung của thị trường, bất chấp những ánh sáng đến từ viên nén gỗ.
Vượt “bão” thị trường
Là doanh nghiệp ngành gỗ có những bước tiến phát triển lớn, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (HoSE: ACG) đã trải qua một năm 2022 viên mãn với mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Sau khi chuyển “nhà” sang HoSE vào cuối tháng 10 vừa qua, Gỗ An Cường kinh doanh càng khởi sắc mặc dù thị trường có những tín hiệu suy thoái.
Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp trong quý IV/2022 đạt 1.384 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ. Trong quý, mặc dù biên độ tăng của giá vốn hàng bán là hơn 20% nhưng lợi nhuận gộp vẫn tăng mạnh 47% lên 430 tỷ đồng.
Sau khi cấn trừ các chi phí, Gỗ An Cường báo lãi 107 tỷ đồng, tăng 10% so với quý IV năm 2021. Theo giải trình từ phía công ty, biến động lợi nhuận trên do công ty đã điều chỉnh chiến lược bán hàng đẩy mạnh mở rộng chuỗi phân phối và tiếp tục thực hiện các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất.
Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của Gỗ An Cường đạt 4.475 tỷ đồng, tăng 35%. Sau thuế, công ty thu về khoản lãi 615 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Kết quả trên đã giúp Gỗ An Cường hoàn thành mục tiêu doanh thu, lợi nhuận đề ra năm 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của công ty.
Nằm trong số những doanh nghiệp vượt bão thành công, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor; HNX:VIF) ghi nhận 534 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 22% so với cùng kỳ.
Đi cùng với xu hướng tăng của doanh thu, giá vốn hàng bán cũng nâng lên mức 469 tỷ đồng, cao hơn hơn 24% so với quý IV/2021. Đáng chú ý quý này công ty ghi nhận khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng 80%, lên 118 tỷ đồng.
Kết quả, sau thuế công ty báo lãi 112 tỷ đồng, tăng 35% so với quý IV/2021.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế, Vinafor cho biết các hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty đã phục hồi dẫn đến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2022 tăng so với quý IV/2021.
Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của Vinafor ghi nhận đạt 1.946 tỷ đồng, giảm nhẹ so với với năm 2021. Tuy nhiên nhờ các khoản lãi 391 tỷ đồng đến từ công ty liên doanh, công ty liên kết nên sau khi khi trừ các chi phí, Vinafor báo lãi tăng vọt hơn 69%, đạt 487 tỷ đồng.
Năm 2022, công ty đặt mục tiêu thu về 2.360 tỷ đồng từ doanh thu hợp nhất và 330 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, với kết quả trên, Vinafor dù chưa hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng đã vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận.
Kinh doanh đi lùi trước đòn tỉ giá
Bên cạnh những điểm sáng trên, một số doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi thế “bị cuốn” vào vòng xoáy thị trường. Sau khi trải qua các quý đầu năm với doanh thu tăng trưởng tích cực, một số doanh nghiệp đã phải đối mặt với “ác mộng” trong các tháng cuối năm. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc cả doanh thu và lợi nhuận đều theo chiều lao dốc vào các tháng cuối năm, thậm chí có doanh nghiệp đã báo lỗ.
Công ty Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) ghi nhận doanh thu trong quý IV/2022 đạt 502 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 1,19 tỷ đồng.
Giải trình biến động tình hình sản xuất kinh doanh, công ty cho biết do tỉ giá biến động ảnh hưởng đến chi phí tài chính tăng nên công ty chưa có lợi nhuận trong quý cuối năm 2022. Cụ thể, chi phí tài chính trong quý của Gỗ Trường Thành tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 32 tỷ đồng. Trong đó tăng nhiều nhất đến từ khoản lỗ chi phí tài chính tăng 212% lên gần 9 tỷ đồng.
Lũy kế trong năm 2022, doanh thu đạt 2.018 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ. Mặc dù quý IV báo lỗ nhưng nhờ kinh doanh tích cực trong 3 quý đầu nên lợi nhuận sau thuế của Gỗ Trường Thành vẫn ghi nhận 6 tỷ đồng, tăng 139,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022 công ty đã không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra.
Kinh doanh khả quan hơn so với Gỗ Trường Thành, Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB) đạt doanh thu 1.723 tỷ đồng trong quý IV/2022, giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ. Do chi phí vốn đi ngang, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm gần 11% xuống còn 334 tỷ đồng.
Kết quả, Phú Tài báo lãi sau thuế đạt 77 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình từ phía công ty, Phú Tài cho biết doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ nguyên nhân là do tác động thị trường chung thế giới đến tiêu thụ của ngành chế biến gỗ. Tình hình kinh tế nhiều biến động như tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng cao, tỉ giá biến động mạnh đã gây ra những ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh.
Luỹ kế cả năm 2022, Phú Tài ghi nhận doanh thu đạt 6.887 tỷ đồng, tăng 6%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 502 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, chi phí tài chính cũng là khoản “đau đầu” của Phú Tài khi tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 170,6 tỷ đồng. Trong đó, lỗ chênh lệch tỉ giá tăng từ 11,2 tỷ đồng năm 2021 lên 45,8 tỷ đồng năm 2022, tương đương tăng 308%.
Năm 2022, Phú Tài đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.250 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 632 tỷ đồng. Như vậy, Phú Tài là doanh nghiệp “nối gót” Gỗ Trường Thành không hoàn thành kế hoạch đã công bố.
Năm 2023, ngành gỗ sẽ biến động ra sao?
Trước những dự báo đầy khó khăn cho ngành gỗ, tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Tổng cục Lâm nghiệp được giao cho chỉ tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt 17,5 tỷ USD, với định hướng mở rộng thương mại dựa trên các thị trường truyền thống.
Chia sẻ về năm 2023 sắp tới, ông Nguyễn Văn Diện nhận định: “Năm 2022 là bản lề của khó khăn, năm 2023 là đỉnh điểm của khó khăn”. Tuy nhiên, cũng chính nhờ những khó khăn này mà doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện khả năng thích ứng, chủ động tìm kiếm những thị trường mới giúp cải thiện tình hình kinh doanh.
Để đạt được mục tiêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.
Đồng thời, theo ông Diện mặc dù viên nén tăng nhưng giá trị trong miếng bánh lâm sản không quá lớn nên Tổng cục đặt kỳ vọng nhiều hơn vào các sản phẩm gỗ với giá trị gia tăng cao ở Hoa Kỳ và Châu Âu.
Ông Diện bày tỏ kỳ vọng ngành gỗ xuất khẩu nói riêng và ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung có thể thích ứng với điều kiện của nền kinh tế, hoàn thành được mục tiêu đã đề ra.
Nguyễn Phương Anh