Home Kinh tế vĩ mô Doanh nghiệp ngành điện làm ăn thế nào trước khi tăng giá...

Doanh nghiệp ngành điện làm ăn thế nào trước khi tăng giá bán lẻ?

0

Năm 2022, nhóm thủy điện tiếp tục lãi lớn nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi, doanh nghiệp nhiệt điện lợi nhuận giảm sút còn nhóm tái tạo vẫn duy trì tốc độ ổn định.

Theo Quyết định 02 được Chính phủ ban hành, từ ngày 3/2/2023, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và giá tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng/kWh.

Khung giá bán lẻ điện bình quân – là mức sàn và trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.

Giá bán lẻ điện bình quân – là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp – hiện vẫn là 1.864,44 đồng/kWh. Mức này áp dụng từ năm 2019 đến nay.

Những diễn biến này cũng được cho là sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành điện, đặc biệt là giúp giảm lỗ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi doanh nghiệp này báo lỗ tới 31.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Dù tình hình kinh doanh của EVN năm 2022 gặp nhiều khó khăn, song không hẳn tất cả các đơn vị thành viên của tập đoàn cũng như các doanh nghiệp ngành điện đều có kết quả kinh doanh u ám.

Nhóm thủy điện đại thắng

Với điều kiện thủy văn thuận lợi (La Nina), các doanh nghiệp thủy điện có một năm 2022 “xuôi chèo, mát mái” với lợi nhuận vượt xa kỳ vọng.

Quán quân về lợi nhuận phải kể đến Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (UpCOM: DNH) khi mang về 1.520 tỷ đồng lãi sau thuế năm 2022 – cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này. Doanh thu của doanh nghiệp này cũng xếp thứ 2 với 2.752 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HoSe: VSH) – công ty con của Cơ điện lạnh (HoSE: REE) là doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu trong nhóm thủy điện, đạt 3.085 tỷ đồng, tăng trưởng 91% so với năm 2021, trong khi giá vốn chỉ tăng 33,4% lên 1.062 tỷ đồng, giúp lợi nhuận gộp tăng gấp gần 2,5 lần lên hơn 2.022 tỷ đồng. Kết quả công ty lãi sau thuế 1.264 tỷ đồng, tăng gần 3,3 lần con số đạt được năm 2021.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thủy điện khác cũng ghi nhận lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng trong năm 2022 như Thủy điện Thác Mơ (HoSE: TMP) với lợi nhuận sau thuế đạt 576 tỷ đồng; Thủy điện Sông Ba Hạ (UpCOM: SBH) lãi ròng hơn 642 tỷ đồng, tăng 36%; Thủy điện A Vương (UpCOM: AVC) lãi 582 tỷ đồng, tăng 75%; Thủy điện Thác Bà (HoSE: TBC) lãi sau thuế 324 tỷ đồng; Thuỷ điện Miền Nam (UpCOM: SHP) lãi sau thuế 318 tỷ đồng…

Các doanh nghiệp đa ngành có đầu tư vào thủy điện cũng hưởng lợi không nhỏ. Đơn cử như Cơ điện lạnh (HoSE: REE) công bố doanh thu thuần năm 2022 đạt 9.372 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2021; lãi sau thuế hơn 3.513 tỷ, tăng 64% so với năm 2021 với mảng năng lượng chiếm 62% lợi nhuận toàn công ty.

Hiện danh sách các công ty liên kết của REE hầu hết trong mảng thủy điện. Năm 2022, 18 công ty liên doanh liên kết đem về cho REE 1.077 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 39%.

Hầu hết, khi giải trình về kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm qua, các doanh nghiệp thủy điện đều cho biết phần lớn là nhờ yếu tố thuỷ văn thuận lợi, lượng nước mưa lớn đổ về hồ chứa của các công ty lớn. Ngoài ra, nền kinh tế trong nước dần phục hồi cũng giúp lượng tiêu thụ điện tăng, tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các công ty.

Doanh nghiệp nhiệt điện nặng gánh chi phí

Khi các công ty thủy điện được mùa, Tập đoàn Điện lực EVN sẽ ưu tiên huy động nguồn điện giá rẻ, đồng nghĩa nhóm nhiệt điện sẽ gặp bất lợi. Chưa kể, nguồn than, khí đầu vào neo cao là yếu tố làm thu hẹp lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này.

Điển hình trong nhóm điện khí, một công ty thành viên của EVN là Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGENCO3, HoSe: PGV) ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 đạt 47.279 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do doanh thu tài chính giảm tới 77%, còn 5.431 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng vọt 111%, lên hơn 2.572 tỷ đồng nên lãi sau thuế của công ty chỉ đạt hơn 2.360 tỷ đồng, giảm 26% so với thực hiện năm 2021.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – HoSE: POW) ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt 28.235 tỷ đồng, tăng 15% với doanh thu từ bán điện chiếm 99%. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.323 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện trong năm 2021 nhưng vẫn ở mức thấp so với các năm trước.

Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSe: NT2) lại có quý IV kinh doanh bết bát khi doanh thu đạt hơn 1.923 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ nhưng lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 5,8 tỷ đồng, giảm tới 95% so với quý 4 năm ngoái. Dù vậy, cả năm 2022, doanh thu của Nhơn Trạch 2 vẫn đạt gần 8.786 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 729 tỷ đồng, lần lượt tăng 43% và 36,5% so với năm 2021.

Với nhóm nhiệt điện than, 3 công ty đại diện cho nhóm này dù quý IV kinh doanh bết bát nhưng vẫn có lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 tăng trưởng hai chữ số so với mức nền rất thấp của năm 2021.

Theo đó, Nhiệt điện Quảng Ninh (UpCOM: QTP) dù quý IV/2022 ghi nhận doanh thu giảm nhẹ 3%, đạt 2.262 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 86%, đạt 25,4 tỷ đồng. Song tính chung cả năm 2022, công ty vẫn đạt doanh thu 10.417 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm ngoái, lãi ròng hơn 770 tỷ đồng, tăng 33,3% so với năm 2021 và vượt 76,7% kế hoạch.

Nhiệt điện Hải Phòng (UpCOM: HND) thậm chí lỗ sau thuế gần 7,6 tỷ đồng trong quý IV dù doanh thu tăng nhẹ lên 2.238 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.511 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 571 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 25,5% so với năm 2021.

Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) doanh thu thuần cả năm 2022 đạt 5.115 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 372 tỷ đồng – mức thấp trong vòng một thập kỷ trở lại đây.

Nhóm năng lượng tái tạo duy trì ổn định

Hiện có ít doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có ngành nghề kinh doanh chính là phát triển điện gió, điện mặt trời. Song, một số doanh nghiệp đang có hoạt động mở rộng và phát triển thêm mảng năng lượng tái tạo như Bamboo Capital (HoSE: BCG), Điện Gia Lai (HoSE: GEG), Tập đoàn Hà Đô (HoSe: HDG)…

Điện Gia Lai (HoSE: GEG) – một trong những doanh nghiệp mạnh về điện tái tạo ghi nhận doanh thu 2022 tăng 52%, lên hơn 2.093 tỷ đồng; lãi sau thuế 370 tỷ đồng, tăng gần 14% so cùng kỳ. Doanh nghiệp đang vận hành và xây dựng 23 nhà máy năng lượng tái tạo đa dạng loại hình từ thủy điện, điện mặt trời, áp mái và điện gió tại 14 tỉnh thành với tổng công suất gần 750 MWp.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Bamboo Capital (HoSE: BCG), tập đoàn này đã khép lại quý kinh doanh cuối cùng của năm 2022 với kết quả doanh thu thuần vẫn tăng mạnh 78% so với cùng kỳ, đạt 1.221 tỷ đồng. Các mảng mang lại doanh số tốt nhất cho tập đoàn là xây dựng – hạ tầng mang về 616 tỷ đồng; bất động sản đóng góp f272 tỷ đồng và năng lượng tái tạo mang về 207 tỷ đồng.

Cả năm 2022, doanh thu của BCG đạt 4.596 tỷ đồng, tăng 75%; lãi sau thuế 546 tỷ đồng, bằng 55% cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu năm 2022, ban lãnh đạo cho biết BCG đã giảm sự phụ thuộc vào Tracodi (mảng xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng) nhưng mảng này vẫn đóng góp lớn nhất vào doanh thu chung của tập đoàn. Kế tiếp sau đó là BCG Energy (mảng năng lượng) và BCG Land (mảng bất động sản).

Với Tập đoàn Hà Đô (HoSe: HDG), trong khi doanh thu mảng kinh doanh bất động sản đi xuống, mảng năng lượng với nguồn thu là từ điện gió, điện mặt trời, thủy điện lại tăng mạnh hơn 69% lên 2.160 tỷ đồng, chiếm 59% doanh thu của tập đoàn năm 2022.

Nguyễn Thu Huyền

Link nguồn